Nhằm tạo điều kiện để học sinh phổ thông tìm hiểu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xác định ý thức trách nhiệm của người công dân tương lai tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, giàu đẹp. Giúp học sinh hứng thú và tâm huyết với bộ môn Lịch sử đang học trong nhà trường phổ thông. Bộ GD và ĐT phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam. Căn cứ vào đó, Sở GDĐT Bình Thuận hướng dẫn tổ chức và phát động cuộc thi về tất cả các trường THCS, THPT và các trung tâm GDTX.
Thực hiện hướng dẫn của Sở, được sự phân công chỉ đạo của BGH Trường THPT Phan Chu Trinh, Tổ Sử - GDCD phát động cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam tại Trường THPT Phan chu Trinh như sau :
1.Đối tượng dự thi: Tất cả học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh
2.Nội dung cuộc thi: 5 câu hỏi của BTC cuộc thi
Câu 1 : Ngày 6/12/2012 UNESCO đã chính thức công nhận một tín ngưỡng ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Anh (chị) hãy cho biết đó là tín ngưỡng gì ? Nêu những điều mà anh (chị) tâm đắc nhất về thời đại là nguồn gốc hình thành nên tín ngưỡng đó.
Câu 2 : Anh (chị) hãy nêu cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Câu 3 : Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, anh (chị) yêu thích nhất nhân vật lịch sử nào ? Vì sao ? Hãy trình bày hiểu biết của anh (chị) về nhân vật đó.
Câu 4 : Ở tỉnh, thành phố quê hương anh (chị) có những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu nào ? Anh (chị) hãy giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà anh (chị) ấn tượng nhất. Theo anh (chị), cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đó?
Câu 5 :
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Anh (chị ) hãy cho biết hai câu thơ trên là của ai. Nêu ý nghĩa của hai câu thơ đó. Theo anh ( chị), cần phải làm gì để người học yêu thích môn Lịch sử ?
(Các câu trả lời được trình bày ngắn gọn, viết tay hoặc đánh máy vi tính một mặt trên khổ giấy A 4, không quá 5 trang, chữ Times New Roman, cỡ chữ 13. Trong các bài dự thi khuyên khích có hình ảnh minh họa phù hợp với nội dung Bài làm được đóng thành tập, có bìa. Đối với trang bìa và các hình ảnh yêu cầu các em in màu).
3.Thời gian nộp bài thi: 10/9/2014
Tổ Sử - GDCD tổng hợp nộp cho Sở GDĐT: 30/9/2014. Sở GDĐT tổng hợp bài của toàn tỉnh, chấm và chọn ra 35 bài xuất sắc nhất gửi Bộ GDĐT.
Như vậy chúng ta thấy đây là cuộc thi mang tính chất toàn quốc, ý nghĩa của cuộc thi là rất to lớn. Mong toàn thể các em học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh tham gia nhiệt tình, nghiêm túc; kính mong quý thầy cô giáo viên chủ nhiệm quan tâm, nhắc nhở, động viên học sinh lớp mình tham gia đầy đủ, hiệu quả!