Theo TS Thục, trong nền 50 năm qua, nhiệt độ trên cả nước đã tăng 0,5 độ C. Nhiệt độ tại các tỉnh phía bắc tăng nhanh hơn tại các tỉnh phía nam. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn mùa hè. Số ngày nắng nóng có xu hướng gia tăng ở hầu hết các khu vực trên cả nước.
“Mùa đông những năm gần đây thường ấm hơn. Số ngày rét đậm, rét hại ít hơn nhưng lại xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài”, TS Thục nói.
Theo TS Thục, lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm, mùa mưa có xu hướng gia tăng. Biến đổi khí hậu làm cho mưa tập trung hơn tuy tổng lượng mưa của cả năm giảm không rõ nét. Tại các tỉnh nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ, mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn, trong đó có nhiều đợt mưa lớn và kéo dài.
Biến đổi khí hậu cũng đã và đang làm cho các cơn bão diễn biến bất thường, vượt ra ngoài quy luật. Theo đó, khu vực đổ bộ của bão và áp thấp có xu hướng dịch dần vào các tỉnh phía nam, xuất hiện nhiều cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp. Mùa mưa bão kết thúc muộn hơn so với trước đây.
TS Thục cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nước biển dâng. Theo tính toán, tại vùng ven biển nước ta bình quân mực nước biển dâng thêm khoảng 2,9 mm/năm.
Dự báo, đến cuối thế kỷ 21, trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78-95 cm. Mực nước biển ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có thể dâng tối đa đến 105 cm.
“Nếu mực nước biển dâng 1 m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập”, ông Thục lưu ý.