ÔN THI TNTHPT MÔN NGỮ VĂN
NĂM HỌC 2013-2014
---------------------------------------------------------------
PHẦN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Để đáp ứng được yêu cầu phần câu hỏi này theo định hướng của Bộ GD, học sinh cần ôn và nắm vững những kiến thức về văn bản ,cụ thể :
@/ Văn bản là gì?
@/ Các loại văn bản trong chương trình đã học :
- Văn bản nói .
- Văn bản viết :
+ Văn bản thông tin ( hành chính, báo chí; khoa học, nhật dụng).
+ Văn bản văn học ( Văn bản văn học hư cấu; Văn bản văn học không hư cấu )
@ Đặc điểm diễn đạt và chức năng của các phong cách ngôn ngữ.
A/ ĐỊNH HƯỚNG VỀ KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN :
Theo định hướng của Bộ GD về cách ra đề thi TNTHPT môn văn năm 2014 , thì các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như:
I. Kiểm tra kiến thức Tiếng Việt: Dạng đề này thường cho một đoạn văn có sai sót và cho học sinh nhận biết từ đó trả lời các câu hỏi.
1. Các lỗi sai trong văn bản :
-Lỗi về câu ( lỗi cấu tạo câu; lỗi dấu câu; lỗi liên kết câu)
- Lỗi về từ ( lặp từ; từ không đúng nghĩa; từ không phù hợp phong cách)
- Lỗi đoạn văn ( lỗi về nỗi dung; lỗi về hình thức )
- Lỗi chính tả ( lỗi do phát âm; lỗi do không nắm vững quy tắc chính tả )
* Lưu ý : Trong một văn bản không chỉ có một loại lỗi mà thường xuất hiện đồng thời nhiều loại lỗi.
2. Kỹ năng xác định lỗi trong đoạn văn bản:
- Đọc kỹ văn bản.Xác định nội dung và thể loại, phong cách văn bản .
- Phân tích cấu tạo câu ( các thành phần của câu)
- Xem xét vị trí các câu và sự liên kết câu trong văn bản.
- Xem xét về lỗi chính tả và cách sử dụng từ ngữ.
@/ Ví dụ Đọc đoạn văn bản sau đồng thời anh, chị hãy chỉ ra những sai sót về ngữ pháp, chính tả, cách dùng từ, tính logic...trong đoạn văn đó :
“... cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một sinh thể có linh hồn với những tính cách đối địch: vừa hung bạo, vừa dữ rằn. Đây là lối nhân cách hóa những đặc điểm vốn có của giòng sông thiên nhiên mà chực quan có thể nhìn thấy”.
- Cách phát hiện lỗi sai : Với hình thức hỏi như trên, sau khi đã đọc kỹ văn bản, xác định được cấu tạo câu và sự liên kết câu cũng như thể loại, phong cách ngôn ngữ và hình thức chính tả và cách trình bày,cách dùng từ ,chữ viết.. ta có thể trả lời như sau:
+ Sai ngữ pháp: Câu thứ nhất trong đoạn văn. Sai chính tả: dữ rằn; giòng sông; chực quan
+ Dùng từ sai: đối địch. Sai logic: vừa hung bạo, vừa dữ dằn
II. Nhận biết nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản:
@/Ví dụ: Văn bản sau nói về vấn đề gì ? Đặt tên cho văn bản…
“Ở người lớn tuổi ít vận động cơ bắp, nếu chế độ ăn giàu chất colesteron (thịt, trứng, sữa...) sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, colesteron ngấm vào thành mạch kèm theo các ion canxi làm cho mạch bị hẹp lại, không còn nhẵn như trước, xơ cứng và vữa ra.
Động mạch xơ vữa làm cho sự vận chuyển máu trong mạch khó khăn, tiểu cầu dễ bị vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Động mạch xơ vữa còn dễ bị vỡ gây các tai biến trầm trọng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, thậm chí gây chết người”. (Sinh học - lớp 8. NXB Giáo Dục 2007)
- Đối với ví dụ trên, ta thấy: đoạn văn nói đến căn bệnh xơ vữa động mạch và nguyên nhân dẫn đến bệnh xơ vữa động mạch. Vì vậy ta có thể đặt tên cho đoạn văn bản đó là: “Bệnh xơ vữa động mạch và hậu quả của nó” hoặc “Đề phòng với xơ vữa động mạch”.
=> Cách đọc và nhận biết văn bản đối với dạng câu hỏi này:
+ Đọc kỹ đoạn văn bản của đề ra.
+ Tìm và gạch dưới những từ ngữ nào được lặp đi lặp lại nhiều lần văn bản ( đây là những từ mà người viết có ý nhấn mạnh thông tin muốn nói). Tìm hiểu nội dung của những từ ngữ đó nói về điều gì ?
+ Xác định mối quan hệ ngữ pháp ( các câu và các thành phần phụ của câu trong đoạn văn bản).
+ Từ đó xác định được nội dung chính của đoạn văn bản và đề xuất cách đặt tên cho văn bản.
III. Nhận diện những biện pháp nghệ thuật trong đoạn văn bản và tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó với việc thể hiện nội dung văn bản:
Với dạng câu hỏi này các em cần:
a.Ôn lại kiến thức về các biện pháp tu từ từ , tu từ về câu và tác dụng của các biện pháp tu từ khi được sử dụng trong văn bản như:
- So sánh: đối chiếu sự vật này với sự vật khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình biểu cảm.
- Ẩn dụ: Gọi tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm tăng sức gợi hình gợi cảm.. .
- Nhân hóa: cách gọi tả vật, đồ vật..v.v bằng những từ ngữ vốn dùng cho con người làm cho thế giới vật, đồ vật ... trở nên gần gũi biểu thị được những suy nghĩ tình cảm của con người.
- Hoán dụ: gọi tên sự vật hiện tượng khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó.
- Nói quá: Biện pháp tu từ phóng đại mức độ qui mô tính chất của sự vật hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh gây ấn tượng tăng tính biểu cảm.
- Nói giảm nói tránh: dùng cách diễn đạt tế nhị uyển chuyển tránh gây cảm giác phản cảm và tránh thô tục thiếu lịch sự.
- Điệp ngữ: lặp lại từ ngữ hoặc cả câu để làm nối bật ý gây cảm xúc mạnh.
- Chơi chữ: Cách dựa vào những đặc sắc về âm và về nghĩa của từ ngữ để tạo sắc thái dí dỏm hài hước.
b.Ôn , nắm vững các đặc điểm về cách cách gieo vần, phối thanh, ngắt nhịp …trong văn bản văn học.
@/ Ví dụ:
Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của những biện pháp nghệ thuật ấy trong đoạn thơ sau:
“Chúng đem bom ngàn cân
Dội lên trang giấy trắng
Mỏng như một ánh trăng ngần
Hiền như lá mọc mùa xuân”
(Trang giấy học trò - Chính Hữu)
- Căn cứ vào những kiến thức về các phương tiện biểu đạt trong thơ , ta có thể trả lời :
+ Các biện pháp nghệ thuật trong đoạn thơ : Ẩn dụ, đối lập và so sánh ( hình ảnh trang giấy trắng chỉ sự ngây thơ trong sáng của trẻ nhỏ; đối lập: bom nghìn cân với trang giấy mỏng manh; so sánh: trang giấy mỏng như…, hiền như…)
+ Tác dụng của việc sử dụng phối hợp những biện pháp nghệ thuật này : khắc họa sự tàn khốc của chiến tranh và tội ác của kẻ thù; lòng căm giận và thương cảm của nhà thơ với trẻ thơ .
B/ BÀI TẬP LUYỆN KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN VÀ TIẾP NHẬN VĂN BẢN :
I/ Đọc các đoạn văn bản sau, chỉ ra những lỗi sai – nguyên nhân sai và cách sửa :
1. Bên cạnh chị Út, còn có biết bao người phụ nữ Việt Nam anh hùng khác. Ðó là chị Sứ, người con gái xứ Hòn bất khuất. Chị đã tô thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất anh hùng, bất khuất trung hậu đảm đang. Ngày xưa, nhà thơ Xuân Diệu (?) đã từng mơ ước : Ví đây đổi phận làm trai được. Nhưng bây giờ chị Út không những thừa kế được sự bất khuất của người xưa mà còn được sự giúp đỡ của thời đại. Chị vượt hơn người xưa về mọi mặt. Chị không cần như Xuân Diệu mơ ước đổi phận làm trai mới nên sự nghiệp mà chị cứ làm đàn bà, người mẹ sáu con, nhưng sự nghiệp anh hùng của chị chẳng phải chàng trai nào cũng sánh kịp. (BVHS).
2. Quang Dũng là nhà văn, nhà thơ... ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thơ ông chủ yếu ca ngợi, nêu cao tinh thần người chiến sĩ trong giai đoạn này. Quang Dũng là con gia đình nhà nho nghèo lớn lên ông theo đoàn lính Tây Tiến. Họ là những người bảo vệ biên giới lào, Việt. Sống trong rừng sâu núi thẩm, ăn mặc thiếu thốn nhưng họ vẫn kiên cường bất khuất. Khi chuyển đi nơi khác công tác quang dũng nhớ lại những hình ảnh của người lính Tây tiến nên đã sáng tác bài thơ nhớ Tây Tiếnsau này khi phát hành, ông bỏ bớt từ nhớcó thể cho là thừa... (BVHS).
3. Viết về người phụ nữ, Hồ Xuân Hương thường chú ý đến những ngóc ngách éo le của cuộc đời, qua đó lên tiếng nói đồng cảm và bênh vực họ. Qua một loạt hình tượng nói về số phận hẩm hiu của người phụ nữ, nhà thơ đã nêu bật lên vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn của họ. Hồ Xuân Hương còn mạnh dạn ca ngợi vẻ đẹp thân xác của những cô gái đang xuân, trắng trong tươi mát... (BVHS).
II/ Đọc các đoạn văn bản sau, đồng thời cho biết : nội dung – thể loại – ý nghĩa và đặt tên cho đoạn văn bản đó :
1. Em Chung Thị Kim Vân là học sinh lớp 6Atrường THCS Lương Sơn (Bắc Bình – Bình Thuận) đã qua đời khi dũng cảm cứu một em nhỏ bị rơi xuống hồ nước tại công trường xây dựng.
Sáng nay ( 4/3/2014 ), Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Thuận – Mai Xuân Bá và Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Bình ,cùng các thầy cô giáo đã đến thăm viếng, chia buồn với gia đình em Vân.Tỉnh đoàn Bình Thuận cũng đã hoàn tất hồ sơ gửi Trung ương Đoàn TNCS HCM đề nghị truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho em Vân.
Chiều nay (4/3/2014) ,Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã kí Quyết định truy tặng bằng khen cho em Chung Thi Kim Vân vì hành động dũng cảm cứu người , đồng thời gửi tới gia đình em em số tiền 10 triệu đồng chia sẻ nỗi đau mất mát .
Ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ công tác HSSV ( Bộ GD&ĐT) ,chia sẻ : Chúng tôi rất xúc động trước hành động dũng cảm xả thân cứu người của em Vân. Đây là tấm gương sáng đề các em học sinh trong cả nước noi theo
( GD Online – ngày 4/3/2014 )
2. “Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta...
Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ...
Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,...
Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá...
Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình” ...
(Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37)
3.Chắc rằng bạn không thể lường trước được bệnh cúm có thể tấn công nhanh và mạnh đến mức nào trong mùa đông. Nó có thể khiến nạn nhân bị bệnh trong nhiều tuần.
Cách tốt nhất để chống lại vi-rút là giữ một cơ thể khỏe mạnh.Việc tập luyện hang ngày và chế độ ăn uống kèm với thật nhiều hoa quả và rau xanh rất được khuyến khích để hỗ trợ hệ thống miễn dịch nhằm chống lại các vi-rút này xâm nhập vào cơ thể.
( Theo “Chương trình tiêm chủng cúm tự nguyện của ACOL)
4. Nhà di truyền học lấy một tế bào của các sợi tóc tìm thấy trên thi thể nạn nhân từ nước bọt dính trên mẩu thuốc lá. Ông đặt chúng vào một sản phẩm dùng phá hủy mọi thứ xung quanh DNA của tế bào.Sau đó, ông tiến hành động tác tương tự với một số tế bào máu của nghi phạm.Tiếp đến, DNA được chuẩn bị đặc biệt để tiến hành phân tích.Sau đó, ông đặt nó vào một chất keo đặc biệt rồi truyền dòng điện qua keo.Một vài tiếng sau, sản phẩm cho ra nhìn giống như mã vạch sọc ( giống như trên các sản phẩm chúng ta mua) có thể nhìn thấy dưới một bong đèn đặc biệt.Mã vạch sọc DNA của nghi phạm sẽ đem ra so sánh với mã vạch của sợi tóc tìm thấy trên người của nạn nhân.
( Nguồn : Le Ligueur, 27 tháng 5 năm 1998)
5. Để tránh được những tình huống nhỏ nhưng gây đau đớn như sưng tấy hoặc bị trầy xước hay bệnh về chân của các vận động viên ( nhiễm trùng nấm), chiếc giầy phải thoáng để thoát mồ hôi và phải chống được ướt.Vật liệu lý tưởng là da thuộc, vật liệu chống nước, gúp giầy không bị thấm khi phải đi trời mưa.
( Nguồn : Revue ID (16) 1-15 June 1997 )
III/ Nhận biết các biện pháp nghệ thuật trong các đoạn văn bản sau .Đồng thời cho biết tác dụng của các biện pháp nghệ thuật ấy.
1. Bác vẫn đi kia giữa cánh đồng
Thăm từng ruộng lúa, hỏi từng bông
Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm
Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong.
.(Tố Hữu)
2. - Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai,chim én gặp mùa,
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi dừng bỗng gặp cánh tay đưa.
(Chế Lan Viên: Tiếng hàt con tàu)
3. Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
(Nguyễn Duy: Đò Lèn)
4. Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ...
Sẽ không lớn nổi thành người.
(Đỗ Trung Quân: Bài học đầu cho con)
5. “Chúng tôi là những người đã chết.Nhưng người ta chỉ chết hẳn đi khi không còn sống trong lòng người khác nữa. Ngoài thế giới của những người đang sống và cõi lặng im của người đã chết, còn một cõi thứ ba nữa : đó là cõi của những người đang sống trong trí nhớ người khác , những người không bị lãng quên.Nơi chúng tôi đang ở chính là cõi đó.Chúng tôi vẫn đang được nhựng người đang sống nhớ đến, nhờ vậy chúng tôi vẫn còn được sống”
( Trích vở kịch “Người trong cõi nhớ” của Lưu Quang Vũ )
6. Như con chim kỳ diệu trong truyện cổ tích , sách ca hát về cuộc sống đa dạng và phong phú của con người táo bạo trong khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ.Càng đọc, hồn tôi càng tràn đầy tinh thần lãng mạn và hăng hái.Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tự tin hơn , làm việc hợp lý hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực mình trong cuộc sống.
Mỗi cuốn sách là những bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất, về sự thèm khát cuộc sống ấy…
( MacXimGorki)
ÔN – LUYỆN PHẦN KIỂM TRA KỸ NĂNG VIẾT
---------------------
A/ Mục đích, yêu cầu và nội dung, hình thức ra đề của phần kiểm tra viết :
I/Mục đích – yêu cầu của phần kiểm tra viết :
( Theo định hướng CV số 1993/ BGDĐT – GD TrH), NGÀY 15/4/2014 của Thứ trưởng BGD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển), là kiểm tra:
1/ Tri thức về văn bản viết ( kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết, nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề văn )
2/ Các kỹ năng viết ( đúng chính tả; ngữ pháp; viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…)
3 / Khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích , đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau ( vận dụng vào thực tiễn nơi học tập và đời sống).
II/Nội dung và hình thức ra đề :
- Cũng theo định hướng của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển : “ Về viết nghị luận văn học, năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc đoạn trích trong chương trình và sách giáo khoa nhưng …đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề”.
- Từ đó , bài viết của học sinh được đánh giá dựa vào:
+ Chuẩn kỹ năng viết nói chung .
+ Chuẩn kỹ năng viết phù hợp với từng kiểu văn bản nói riêng theo yêu cầu của đề.
+ Phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật ; không áp dụng nội dung chi tiết cần đạt.
B/Nội dung và cách thức ôn thi :
I/ Về nội dung kiến thức và kỹ năng- phương pháp :
Trong quá trình học và ôn tập, thầy cô cần tập trung chú ý cho các em học sinh những vấn đề sau:
1/ Về nội dung kiến thức :
- Để viết bài nghị luận xã hội : Cần có kiến thức đời sống - xã hội, kiến thức liên môn ( bao gồm các lĩnh vực địa lý, lịch sử, khoa học…)
- Để viết bài nghị luận văn học : Cần nắm vững những kiến thức về Văn học sử, lý luận văn học; tác phẩm đọc văn theo từng thể loại ( kể cả các tác phẩm đọc thêm)
2/Về kỹ năng- phương pháp :
- Tìm hiểu đề ( nhận diện các yêu cầu của đề : yêu cầu vấn đề cần nghị luận ; các thao tác lập luận; phạm vị tư liệu… )
- Cách lập dàn ý ( xác lập hệ thống kiến thức trong từng phần bố cục của bài; cách lựa chọn dẫn chứng cho từng ý, từng luận điểm..)
- Cách trình bày, diễn đạt theo yêu cầu của một văn bản nghị luận xã hội.
( Phần này quý thầy cô tự soạn cụ thể để ôn lại cho học sinh nắm thật vững để vận dụng linh hoạt , sáng tạo vào bất cứ đề nào trong quá trình làm bài thi).
II/ Cách thức ôn tập :
Vì thời gian ôn tập không nhiều ( tùy thuộc vào từng trường, từng đối tượng ),nên cả thầy và trò cần thống nhất quan điểm :
- Thầy không dạy lại.Trò không học lại.
- Thầy cô giúp các em hệ thống kiến thức đã học bằng nhiều hình thức ( sơ đồ tư duy, bảng biểu…) sao cho ngắn gọn, dễ hiễu, dễ nhớ, dễ vận dụng.
- Trọng tâm là thầy cô rèn cho các em kỹ năng và phương pháp viết văn bản bằng các bài tập vận dụng.
- Thầy cô nên tạo không khí thi đua ôn tập sôi nổi, tự giác cho học sinh.
- Nếu có điều kiện về thời gian, Thầy cô nên tổ chức thi thử và rút kinh nghiệm cho các em.
C/Tham khảo một số dạng đề theo hướng đổi mới về hình thức và cách nêu vấn đề.
I/ Đề nghị luận văn học :
- Đề 1 : Mị ( “Vợ chồng APhủ” (Tô Hoài) - Con người tốt đẹp bị đày đọa.
- Đề 2 : Tâm trạng và hành động của Mị trong đêm cuối cùng ở nhà PáTra ( “Vợ chồng APhủ” của Tô Hoài).
- Đề 3 : Cái nhìn nhân văn và lòng thương cảm sâu sắc của nhà văn Tô Hoài đối với người dân miền núi trong truyện ngắn “Vợ chồng APhủ”.
- Đề 4 : Hiệu quả nghệ thuật của tình huống truyện trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
- Đề 5 : Tình huống mới lạ và độc đáo trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
- Đề 6 : Niềm khao khát tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
- Đề 7: Dụng ý của nhà văn Kim Lân khi xây dựng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt”
- Đề 8 : Ấn tượng của anh, chị về nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
Hay : Những suy nghĩ và đánh giá của anh (chị) về người vợ nhặt – người đàn bà không tên trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân .
- Đề 9 : Dụng ý của nhà văn Nguyễn Trung Thành khi mở đầu và kết thúc truyện ngắn “Rừng xà nu” bằng hình ảnh rừng xà nu.
- Đề 10 : Cảm nhận của anh ,chị về hình ảnh đội bàn tay của nhân vật Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.
- Đề 11 : Hai ý nghĩa phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
- Đế 12 : Tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá phát hiện về đời sống trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.
- Đề 13 : Hình ảnh thơ mộng trữ tình của dòng sông Việt Nam qua hình ảnh sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.
- Đề14 : Chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc và chất vàng mười của người lao động Tây Bắc trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.
II/ Nghị luận xã hội :
ĐỀ1 : Nếu bạn có thời gian một ngày với một nhân chứng lịch sử hoặc một nhân vật tưởng tượng, bạn định gặp ai? Bạn sẽ làm gì trong suốt ngày ấy? Bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ nói những gì?
Viết một bài văn kể lại những nơi mà bạn và người ấy đã đi, những gì mà hai người đã làm. Cần sử dụng các chi tiết và chứng cứ để làm sáng tỏ.
ĐỀ2: Tất cả nghệ thuật, kịch, vũ điệu và âm nhạc trong giáo dục nhà trường đều là chủ đề tranh luận quốc gia. Một số người tin rằng các đề tài này không cần thiết đối với HS; một số người khác lại cho rằng các chủ đề này không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của một nền giáo dục đa dạng.
Viết một bài nghị luận giải thích các loại hình nghệ thuật nêu trên có quan trọng hay không đối với giáo dục phổ thông. Hãy nêu những lí do và bằng chứng làm sáng tỏ cho luận điểm của bạn.
ĐỀ3: Chiếc hộp: "Hôm nay chúng ta sẽ viết một bài văn tự sự hoặc một truyện ngắn.
Tư tưởng câu chuyện của bạn nằm trong chiếc hộp này. Cái gì bên trong chiếc hộp? Tìm ra nó như thế nào? Nó có giá trị hay không? Có thể nó là một vật sống! Cũng có thể xuất hiện một bức thư hoặc một vật gì đó đang ẩn náu.
Cái gì sẽ xảy ra trong câu chuyện bạn kể nếu chiếc hộp được mở ra? "
ĐỀ4: Trong thời gian học ở trường THPT, học sinh được học nhiều dấu mốc lịch sử, những dấu mốc vẫn còn ảnh hướng đối với cuộc sống hôm nay. Hãy suy nghĩ về một dấu mốc lịch sử nào đó mà bạn đã học và cho đó là quan trọng.
3. Tham khảo các dạng đề đọc hiểu Pisa:
* Đề số 1 :
Mạo hiểm
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Xưa nay những đấng anh hùng làm nên những việc gian nan không ai làm nổi, cũng là nhờ cái gan mạo hiểm, ở đời không biết cái khó là cái gì[....]
Còn những kẻ ru rú như gián ngày, làm việc gì cũng chờ trời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không quan hệ gì đến mình cả. Như thế gọi là sống thừa, còn mong có ngày vũng vẫy trong trường cạnh tranh này thế nào được nữa. Hãy trông những bọn thiếu niên con nhà kiều dưỡng, cả đời không dám đi đâu xa nhà, không dám làm quen với một người khách lạ; đi đường thì sợ sóng, trèo cao thì sợ run chân, cứ áo buông chùng đóng gót, tưởng thế là nho nhã, tưởng thế là tư văn; mà thực ra không có lực lượng, không có khí phách; hễ ra khỏi tay bảo hộ của cha mẹ hay kẻ có thế lực nào thì không có thể mà tự lập được.
Vậy học trò ngày nay phải tập xông pha, phải biết nhẫn nhục; mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng không lấy làm khổ sở. Phải biết rằng: hay ăn miếng ngon, hay mặc của tốt, hễ ra khỏi nhà thì nhảy lên cái xe, hễ ngồi quá giờ thì đã kêu chóng mặt,... ấy là những cách làm mình yếu đuối nhút nhát, mất hẳn cái tinh thần mạo hiểm của mình đi”.
(Nguyễn Bá Học, Mạo hiểm)
-Câu 1: Trong đoạn văn trên đã sử dụng thao tác lập luận nào
A. Thao tác lập luận phân tích B. Thao tác lập luận so sánh
C. Thao tác lập luận bình luận D. Kết hợp cách thao tác lập luận
- Câu 2: Đoạn văn trên khuyên nhủ thanh niên điều gì?
A, Mạo hiểm vượt lên cái khó của chính bản thân mình B. Mạo hiểm vượt qua nỗi sợ của chính bản thân mình
C. Mạo hiểm xông pha, thoát ra khỏi bàn tay bảo hộ của cha mẹ để tự lập D. Phải biết nhẫn nhục, mưa nắng cũng không lấy làm nhọc nhằn, đói rét cũng lấy làm khổ sở
-Câu 3: Nguyên nhân chính của việc không dám mạo hiểm xông pha vào khó khăn?
A. Vì ngăn sông cách núi B. Vì con người không có gan mạo hiểm
C. Vì thích sống an nhàn vô sự D. Vì không biết nhẫn nhục chịu đựng khổ sở
-Câu 4: Lối sống thừa của những kẻ ru rú như gián ngày khiến giống với kiểu tính cách gì
A. Sống không có luân lí
B. Sống không có đoàn thể
C. Phải ai tai nấy, ai chết mặc ai
D. Hèn nhat, bạc nhược, trong bao
-Câu 5: Nguyễn Bá Học đã phê phán những nỗi e sợ của kể học trò? Kể tên 5 nỗi sợ được nhắc đến trong bài?
..........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
-Câu 6: Những đức tính mà kẻ học trò cần phải có để vùng vẫy trong trường cạnh tranh?
..........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................
-Câu 7: Trong những quyết định quan trọng nếu mạo hiểm bao giờ cũng có những rủi ro nhất định có thể thành công cũng có thể thất bại. Suy nghĩ của em?
………………………………………………………………………………………………………………
* Đề 2
Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên
... “Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta...
Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ...
Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,...
Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá...
Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình” ...
(Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37)
-Câu hỏi 1. Nội dung chính của văn bản trên là gì?
A. Nêu những nghĩa cử cao đẹp thanh niên cần phải làm
B. Nêu những hành vi thiếu văn hóa thanh niên không nên làm.
C. Nêu những việc nên làm và không nên làm của thanh niên.
D. Nêu tinh thần và thái độ của thanh niên với nhân dân.
-Câu hỏi 2. Kiểu câu nào được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn trên?
A. Câu tường thuật
B. Câu cảm thán
C. Câu nghi vấn
D. Câu cầu khiến
-Câu hỏi 3. Qua đoạn văn trên, em thấy phẩm chất cần có nhất của thanh niên là gì?
A.Thương yêu, kính trọng nhân dân như thương yêu, kính trọng cha mẹ và người thân của mình.
B. Kính nhường và hết lòng giúp đỡ người già, cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo việc gia đình.
C. Có tinh thần xung phong, gương mẫu; việc gì tập thể cần phải làm với tinh thần trách nhiệm cao.
D. Biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp
-Câu hỏi 4. Bên cạnh phép lặp từ vựng, đoạn văn trên còn sử dụng phép tu từ nào?
A. Phép so sánh
B. Phép ẩn dụ
C. Phép hoán dụ
D. Phép liệt kê.
-Câu hỏi 5. Ngoài những phẩm chất cần có trên, theo em thanh niên thời đại hiện nay cần có thêm những phẩm chất gì? Vì sao?
Gợi ý trả lời: Học sinh có thể trả lời theo các ý sau:.
- Thanh niên ngày nay cần phải có sức khỏe tốt để xây dựng sự nghiệp cho bản thân và cống hiến được nhiều hơn cho nhân dân, đất nước.
- Thanh niên cần phải có tri thức, có văn hóa để làm chủ các phương tiện công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã và đang được đặt ra trong thời đại ngày nay.
- Thanh niên phải sống có lý tưởng cao đẹp, biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Tác giả bài soạn : Cô Nguyễn Thị Kim Oanh
Giáo viên Ngữ văn – Phan Thiết , Bình Thuận
( Bài soạn có tham khảo thêm phần định hướng ôn thi của thầy Phan Danh Hiếu – Tỉnh Đồng Nai)