ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP
A/GIỚI HẠN KIẾN THỨC ÔN TẬP MÔN VĂN LỚP 11 HKI
NĂM HỌC 2014 – 2015
*****
I/ PHẦN TIẾNG VIỆT: Bài Phong cách ngôn ngữ báo chí.
1/ Lí thuyết: Tìm hiểu một số thể loại văn bản báo chí; nhận xét chung về văn bản báo chí và ngôn ngữ báo chí.
2/ Làm đầy đủ bài tập trong sgk.
II/ PHẦN ĐỌC VĂN.
Học sinh cần nắm nét chính về tác giả, hoàn cảnh sáng tác – xuất xứ, nội dung cốt truyện và nghệ thuật của các văn bản:
1/ Hai đứa trẻ (Thạch Lam)
2/ Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
3/ Hạnh phúc của một tang gia (Trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng)
4/ Chí Phèo (Nam Cao)
III. LÀMVĂN
1. Nghị luận xã hội: HS biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí và một hiện tượng trong đời sống. Biết vận dụng tích hợp NLXH và NLVH vào bài viết một cách hợp lí.
2. Nghị luận văn học: HS biết cách phân tích nhân vật, phân tích một đoạn (trích dẫn) trong đoạn trích, tác phẩm văn xuôi.
IV. CẤU TRÚC ĐỀ.
Câu 1 ( 4điểm): Sử dụng một ngữ liệu (ngắn) để học sinh đọc hiểu và từ nội dung ngữ liệu đó viết bài nghị luận xã hội.
Câu 2 (6 điểm): Viết bài nghị luận văn học - về văn xuôi.
B/ ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ ĐỀ.
1/ Phần đọc hiểu.
Đề 1: Đọc văn bản và trả lời câu hỏi nêu ở dưới.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 11h trưa qua (23/11), chiếc xe khách giường nằm hai tầng của nhà xe Hải Hà chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, khi đang lưu thông trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, bất ngờ bánh sau văng ra khỏi xe, lăn lộn nhiều vòng trên đường. Khi sự việc xảy ra, các phương tiện chạy phía sau chiếc xe khách bị rơi bánh kịp thời né tránh nên đã không có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.
( Theo thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia)
a/ Nêu nội dung chính của văn bản.
b/ Văn bản trên thuộc thể loại nào của phong cách ngôn ngữ báo chí?
c/ Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về sự việc trên.
Đề 2: Đọc văn bản và trả lời câu hỏi nêu ở dưới
Ngày 12/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, mỗi năm có hàng triệu người, chủ yếu tại các nước đang phát triển chết vì ô nhiễm không khí trong nhà, do việc sử dụng các nhiên liệu nguy hiểm như than, dầu, củi, rác thải nông nghiệp… Trước tình trạng này, WHO kêu gọi người dân sử dụng nhiên liệu sạch và thiết kế khu bếp nấu an toàn sạch sẽ.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, gần 3 tỷ người trên thế giới đang không được tiếp cận với nhiên liệu sạch và việc đảm bảo vệ sinh trong bếp núc, sưởi ấm và chiếu sáng. Mỗi năm, có hơn 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Trong số đó, có khoảng 4,3 triệu người ở các nước đang phát triển. Các chuyên gia của WHO cảnh báo, ô nhiễm trong nhà có thể dẫn tới các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư phổi, viêm phổi, thiếu máu … Bởi vì khí CO2 mà nhiên liệu rắn như gỗ than đá, phân động vật, củi thải ra ngay tại nơi ở đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
a/ Nêu nội dung chính của văn bản.
b/ Văn bản trên thuộc thể loại nào của phong cách ngôn ngữ báo chí?
c/ Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về sự việc trên.
( Theo Mai Liên/VOV Online)
2/ Phần làm văn
Đề 1: Phân tích quá trình tha hoá của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
Đề 2: Phân tích bi kịch bị cự tuyệt của Chí Phèo ( từ khi Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt đến khi Chí Phèo đâm chết Bá Kiến rối tự sát) trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
Đề 3: Phân tích ý nghĩa tác dụng lời khuyên của Huấn Cao: “ Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái ngề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiên đi.”
( “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân)
Đề 4: Trong văn bản Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có đoạn:
“ Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo là có vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ.”
( Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục,tr 112)
Phân tích vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao trong đoạn trích trên.