ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP KIỂM TRA HỌC KỲ II-
Môn Địa lý lớp 12
Lượt xem:
744
-
Ngày tạo: (18/03/2012)
Có thế bạn quan tâm ?
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP KIỂM TRA HỌC KỲ II
MÔN ĐỊA LÝ LỚP 12 (2011 – 2012)
I- PHẦN LÝ THUYẾT
Câu 1: Phân tích những thuận lợi, khó khăn về tài nguyên thiên nhiên đối với việc phát triển nông nghiệp của Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tài nguyên thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp là tài nguyên đất, khí hậu, nước, diện tích đồng cỏ.
Thuận lợi:
- Tài nguyên đất đa dạng, thuận lợi trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây lương thực, cây ăn quả, bao gồm:
+ Loại đất chiếm diện tích chủ yếu là đất feralit trên đá vôi, đá phiến và đá mẹ khác.
+ Đất phù sa cổ,
+ Đất phù sa dọc theo thung lũng sông và các cánh đồng giữa núi.
- Khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của địa hình. Khu vực Đông Bắc có địa hình đón gió nên mùa đông rất lạnh. Khu vực Tây Bắc địa hình chắn gió nhưng do địa hình cao nên mùa đông vấn lạnh có thế mạnh trồng cây nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới.
- Tài nguyên nước: Vùng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, có nhiều con sông lớn như sông Đà, sông Hồng, sông Chảy, sông Gâm, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam…tạo điều kiện xây dựng các công trình thủy lợi cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
- Đồng cỏ: Dải sơn nguyên, cao nguyên từ Lai Châu đến Hòa Bình và các thung lũng núi ở khu vực Đông Bắc có nhiều đồng cỏ nhỏ thuận lợi chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò.
Khó khăn:
- Địa hình chia cắt mạnh nên diện tích đất nông nghiệp không tập trung không thuận tiện hình thành vùng chuyên canh tập trung qui mô lớn. Cũng do địa hình chia cắt mạnh, sự suy giảm tài nguyên rừng nên về mùa mưa hiện tượng xói mòn sạt lở xảy ra nghiêm trọng, đất dễ bị thoái hóa.
- Hay xảy ra tai biến khí hậu như rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá và hiện tượng thiếu nước mùa đông ở khu vực Tây Bắc.
Câu 2: Tóm tắt những thuận lợi, khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Điều kiện kinh tế xã hội ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp là lao động, thị trường, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, đường lối chính sách của nhà nước, thu hút đầu tư.
Thuận lợi:
- Là vùng dân cư tập trung đông đúc nhất cả nước, có lịch sử cư trú lâu đời, tập trung nhiều đô thị lớn với nhiều trường đại học nên vùng có nguồn lao động dồi dào, lao động có trình độ chuyên môn cao, có thị trường tiêu thụ lớn.
- Vùng có nhiều trung tâm công nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Phúc Yên với cơ cấu ngành công nghiệp rất đa dạng.
- Cơ sở hạ tầng thuộc loại tốt nhất nước với mạng lưới đường ô tô, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và Hà Nội là đầu mối giao thông lớn nhất miền Bắc. Nguồn cung cấp nước và năng lượng tốt, Thông tin liên lạc phát triển.
- Vùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nên được nhà nước yêu tiên đầu tư.
- Vùng thu hút được nhiều vốn, công nghệ, nguyên liệu từ vùng khác và nước ngoài.
Khó khăn:
- Sức ép về dân số nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, vùng chưa phát huy hết thế mạnh vào phát triển công nghiệp, tỉ trọng công nghiệp còn thấp (29,9%/2005 ).
Câu 3: Trình bày sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.
(Đọc hình 33.2 SGK)
Từ 1986 – 2005, cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng có sự chuyển dịch, xu hướng:
- Giảm tỉ trọng khu vực nông – lâm – ngư nghiệp từ 49,5%/1986 xuống còn 25,1%/2005.
- Tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng từ 21,5%/1986 lên 29,9%/2005 và khu vực dịch vụ từ 29%/1986 lên 45%/2005.
- Cơ cấu ngành có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tuy nhiên chuyển dịch còn chậm. Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm tỉ trọng còn cao (25,1%/2005).
Câu 4: Trình bày những thuận lợi về tự nhiên trong việc phát triển kinh tế ở bắc Trung Bộ.
- Vị trí cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam, chịu sức hút mạnh của Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi phát triển nền kinh tế mở.
- Lãnh thổ phân hóa Đông – Tây, phân hóa Bắc – Nam điều kiện hình thành cơ cấu kinh tế đa dạng.
- Tài nguyên đất đa dạng, gồm đất feralit, phù sa cổ ở vùng đồi phía tây, đất cát pha ở đồng bằng ven biển có thể phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, phát triển đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, thâm canh cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày…
- Khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh vừa, có sự phân hóa Bắc – Nam điều kiện phát triển cơ cấu cây trồng đa dạng.
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, một số sông tương đối lớn như sông mã, sông Cả, sông Chu có tiềm năng thủy điện vừa, nhỏ, phát triển thủy lợi…
- Diện tích rừng 2,46 triệu ha, chiếm 20% diện tích rừng cả nước. Độ che phủ rừng 47,8%/2006 chỉ đứng sau Tây Nguyên. Trong rừng có nhiều gỗ quí, chim thú quí…
- Vùng tương đối giàu khoáng sản: than, sắt, thiếc, cromit, ti tan, đá vôi, sét cao lanh…
- Vùng giáp một vùng biển giàu tiềm năng có điều kiện phát triển tổng hợp kinh tế biển.
Câu 5:Trình bày những thuận lợi, khó khăn về tự nhiên trong việc phát triển nông nghiệp và thủy sản ở Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thuận lợi:
- Tài nguyên đất đa dạng:
+ Vùng gò đồi phía tây: đất feralit, phù sa cổ thuận lợi phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây lương thực phụ (sắn), phát triển đồng cỏ chăn nuôi bò, dê, cừu.
+ Vùng đồng bằng ven biển: đất cát pha, cát là chính nhưng cũng có đồng bằng màu mỡ như đồng bằng Tuy Hòa thuận lợi trồng cây công nghiệp ngắn ngày và có thể thâm canh lúa giải quyết lương thực tại chỗ.
- Khí hậu cận xích đạo gió mùa, nguồn nhiệt ẩm dồi dào.
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, điều kiện xây dựng các công trình thủy lợi.
- Vùng có đường bờ biển dài, dọc bờ biển có nhiều vụng, vịnh sâu kín gió, nhiều đảo ven bờ thuận lợi nuôi trồng thủy sản nước mặn, có các đầm cửa sông, các bãi cát thuận lợi nuôi trồng thủy sản nước lợ.
- Vùng giáp với vùng biển rộng, nước sâu, ven bờ có nhiều bãi cá bãi tôm, có 2 ngư trường giàu thủy sản là ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa và ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu thuận lợi đánh bát thủy sản với nghề lưới giã và nghề câu khơi.
Khó khăn:
- Thiếu nước về mùa khô
- Ảnh hưởng nặng của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa đông bắc, hạn chế số ngày ra khơi đánh bắt, gây hư hại phương tiện đánh bắt, gây sạt lở bờ biển. các con sông ngắn dốc, thủy chế thất thường, vào mùa mưa bão gây lũ quét, sạt lở nghiêm trọng khu vực đồi núi và ngập úng vùng đồng bằng.
Câu 6: Chứng minh Tây Nguyên là nơi thuận lợi về tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm
Điều kiện tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm là điều kiện đất đai, khí hậu, nguồn nước.
- Đất: Tây Nguyên có diện tích đất ba dan lớn nhất nước ta, phân bố thành vùng tập trung trên những mặt bằng rộng thuận lợi hình thành vùng chuyên canh qui mô lớn, đất có tầng phong hóa sâu, giàu chất dinh dưỡng.
- Khí hậu đa dạng: Những nơi có độ cao dưới 1000 m có khí hậu cận xích đạo gió mùa, nguồn nhiệt ẩm dồi dào thuận lợi trồng cây công nghiệp nguồn gốc nhiệt đới như cao su, cà phê, tiêu…. Những nơi có độ cao trên 1000 m có khí hậu mát mẻ thuận lợi trồng cây công nghiệp nguồn gốc cận nhiệt như chè.
- Nước: Có các hệ thống sông Xê xan, Xrê pôk, Đồng Nai…điều kiện phát triển thủy lợi cung cấp nước tưới mùa khô.
Câu 7: Tóm tắt những thế mạnh, hạn chế để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên
Thế mạnh:
- Nằm trên cao nguyên, có biên giới, liền kề vùng kinh tế phát triển nên có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng và xây dựng kinh tế.
- Giàu tài nguyên thiên nhiên: diện tích đất ba dan lớn nhất nước, khí hậu đa dạng thế mạnh phát triển cây công nghiệp lâu năm; là kho vàng xanh lớn nhất nước ta thế mạnh khai thác và chế biến lâm sản; tiềm năng thủy điện khá thế mạnh phát triển thủy điện, thủy lợi. Ngoài ra trên các cao nguyên khí hậu mát mẻ có thể phát triển đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc. Trữ lượng quặng bô xít hàng tỉ tấn phát triển công nghiệp khai thác và chế biến bột nhôm. Giàu tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái.
- Địa bàn cư trú nhiều dân tộc ít người, người dân có kinh nghiệm sản xuất và chinh phục tự nhiên, văn hóa dân tộc đặc sắc.
Hạn chế:
- Thiếu nước mùa khô, xói mòn rửa trôi nghiêm trọng mùa mưa.
- Thiếu lao động, đặc biệt lao động kỹ thuật, mức sống nhân dân còn thấp.
- Cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
- Cơ sở vật chất còn nghèo, công nghiệp mới đang trong quá trình hình thành
II- PHẦN THỰC HÀNH
1. Xử lý số liệu:
- Tính tốc độ tăng trưởng: lấy năm đầu tiên làm gốc, lấy lần lượt số liệu các năm sau chia cho số liệu năm gốc và nhân với 100% (đơn vị: %).
- Tính tỉ trọng: Lấy số liệu từng thành phần chia cho số liệu tổng các thành phần và nhân với 100% (đơn vị: %). Lưu ý: tổng % phải bằng 100%.
- Tính bình quân lương thực đầu người: lấy sản lượng lương thực chia cho số dân (đơn vị: kg/người). Nếu chia xong đơn vị là tấn/người thì phải nhân với 1000 để bằng kg/người.
- Tính mật độ dân số: Lấy số dân chia diện tích (đơn vị: người/km2). Nếu số dân cho là triệu người, diện tích là nghìn km2 thì sau khi chia xong phải nhân với 1000.
2. Nhận xét bảng số liệu:
- Khái quát trước, cụ thể sau
- So sánh cột, so sánh hàng
3. Vẽ biểu đồ cột, đường, tròn, miền
4. Kỹ năng đọc và phân tích Atlat
Khi đi thi nhớ mang Atlat, máy tính, com pa, thước, tẩy, bút chì.