CHƯƠNG 2: BẢNG TUẦN HOÀN CÁC NGUYÊN TỐ HÓA HỌC VÀ ĐỊNH LUẬT TUẦN HOÀN
A. Lý thuyết
1) Cấu tạo bảng tuần hoàn (ô, chu kỳ, nhóm nguyên tố)
2) Nguyên nhân của sự biến đổi tuần hoàn tính chất các nguyên tố.
3) Định nghĩa chu kỳ? Trong bảng tuần hoàn có bao nhiêu chu kỳ?
4) Định nghĩa nhóm? Trong bảng tuần hoàn có bao nhiêu nhóm A, bao nhiêu nhóm B?
5) Nêu quy luật biến thiên tính kim loại, phi kim, độ âm điện, bán kính nguyên tử, hóa trị, tính axít, bazơ của hidroxit của các nguyên tố trong một chu kỳ và nhóm A.
6) Nội dung của định luật tuần hoàn Men-đê-lê-ép.
B. Bài tập
Bài 1: Nguyên tử của một số nguyên tố có cấu hình e như sau
a) 1s2 2s2 2p5
b) 1s2 2s2 2p6 3s2 3p1
c) 1s2 2s2 2p6 3s2 3p6
Hãy xác định vị trí của chúng trong hệ thống tuần hoàn (stt, chu kỳ, nhóm).
Bài 2: Một nguyên tố thuộc chu kỳ 3, nhóm VIA trong hệ thống tuần hoàn. Hỏi:
- Nguyên tử của nguyên tố đó có bao nhiêu e ở lớp ngoài cùng?
- Các e ngoài cùng nằm ở lớp thứ mấy?
- Viết số e trong từng lớp?
Bài 3: Viết cấu hình e của nguyên tử các nguyên tố sau, biết vị trí của chúng trong hệ thống tuần hoàn là:
A ở chu kỳ 2, nhóm IVA; B ở chu kỳ 3, nhóm IIA.; C ở chu kỳ 4, nhóm IIIB.; D ở chu kỳ 4, nhóm VIIA.
Bài 4: Nguyên tố R thuộc nhóm IIIA và có tổng số hạt cơ bản là 40.
a) Xác định số hiệu nguyên tử và viết cấu hình e của R.
b) Tính % theo khối lượng của R trong oxit cao nhất của nó.
Bài 5: Nguyên tử của nguyên tố X thuộc nhóm VIA, có tổng số hạt là 24.
a) Viết cấu hình e, xác định vị trí của X trong hệ thống tuần hoàn và gọi tên.
b) Y có ít hơn X là 2 proton. Xác định Y.
c) X và Y kết hợp với nhau tạo thành hợp chất Z, trong đó X chiếm 4 phần và Y chiếm 3 phần về khối lượng. Xác định công thức phân tử của Z.
Bài 6: A và B là hai nguyên tố thuộc cùng một nhóm A và ở hai chu kỳ liên tiếp trong hệ thống tuần hoàn. Tổng số p của chúng là 32. Xác định số hiệu nguyên tử và viết cấu hình e của A, B.
Bài 7: Cho các nguyên tố thuộc chu kỳ 3: P, Si, Cl, S.
a)Sắp xếp các nguyên tố theo chiều tăng dần tính phi kim và giải thích.
b) Viết công thức phân tử các oxit và hidroxit với số oxi hóa cao nhất của các nguyên tố trên và so sánh tính axit của chúng.
Bài 8: Cho các nguyên tố: Na, K, Mg, Si.
a)Sắp xếp các nguyên tố theo chiều giảm dần tính kim loại .
b) Viết công thức phân tử các oxit và hidroxit của các nguyên tố trên và so sánh tính bazơ của chúng.
Bài 9: Để hòa tan hoàn toàn 1,16 (g) một hiđroxit kim loại R hoá trị II cần dùng 1,46 (g) HCl.
a) Xác định tên kim loại R, công thức hiđroxit.
b) Viết cấu hình e của R biết R có số p bằng số n.
Bài 10: X là nguyên tố thuộc nhóm VIIA. Oxit cao nhất của nó có phân tử khối là 183 đvC.
a) Xác định tên X.
b) Y là kim loại hóa trị III. Cho 10,08 (l) khí X (đkc) tác dụng Y thu được 40,05 (g) muối. Tìm tên Y.
Bài 11: Hòa tan 20,2 (g) hỗn hợp 2 kim loại nằm ở hai chu kỳ liên tiếp thuộc nhóm IA vào nước thu được 6,72 (l) khí (đkc) và dung dịch A.
a) Tìm tên hai kim loại.
b) Tính thể tích dung dịch H2SO4 2 (M) cần dùng để trung hòa dung dịch A.
Bài 12: Oxit cao nhất của nguyên tố R có công thức RO3. Hợp chất khí của nó với hiđro có 5,88 % hiđro về khối lượng. Tìm R.
Bài 13: Hợp chất khí với hiđro của nguyên tố R là RH4. Trong oxit cao nhất của R có 53,3 % oxi về khối lượng. Tìm R.
Bài 14: Nguyên tố R thuộc nhóm VA. Tỉ lệ về khối lượng giữa hợp chất khí với hiđro và oxit cao nhất của R là 17 : 71. Xác định tên R.
Bài 15: Hòa tan hoàn toàn 3,68 (g) một kim loại kiềm A vào 200 (g) nước thì thu được dung dịch X và một lượng khí H2. Nếu cho lượng khí này qua CuO dư ở nhiệt độ cao thì sinh ra 5,12 (g) Cu.
a) Xác định tên kim loại A.
b) Tính nồng độ phần trăm của dung dịch X.
Click vào đây để tải về