CÁC DẠNG ĐỀ ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM ) MÔN NGỮ VĂN
Lượt xem:
30300
-
Ngày tạo: (20/03/2015)
Có thế bạn quan tâm ?
ÔN LUYỆN CÁC DẠNG BÀI ĐỌC HIỂU
1. “Lễ hội là nơi người dân về với nguồn cội, sống lại lịch sử của cha ông, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Lễ hội cũng là nơi để người dân vui chơi, giải tỏa những căng thẳng.
Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như ý nghĩa thiêng liêng đó đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Tại Hội Gióng vừa qua, người ta xông vào hỗn chiến để cướp hoa Tre, gây nên cảnh hỗn loạn nơi thờ tự. Lễ hội đền Trần cũng chưa năm nào thoát khỏi cảnh ùn ùn kéo đến xin Ấn, thậm chí "cướp" Ấn với hy vọng có Ấn sẽ được thăng quan, tiến chức.”
(Vietnamnet, ngày 26/02/2015)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Nêu ý chính của văn bản.
2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
3. Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về văn hóa ứng xử khi tham gia lễ hội.
2. “Học sinh có nhiều ước mơ nhưng rất ít học sinh trả lời được vì sao và làm cách nào để thực hiện được ước mơ. Hậu quả của việc chọn “thụ động” là nhiều ngành học không phù hợp với sở thích nghề nghiệp nên khi vào học các em cảm giác “đuối”, thiếu say mê, sáng tạo..., vì thế ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp sau này. Thêm nữa, các em chỉ nhìn thấy “hào quang” của nghề.
[…] Hiện có đến 80% học sinh chọn thi vào đại học để có việc làm sau này. Trong khi thực tế 70% nhu cầu nhân lực lại là cao đẳng và trung cấp nghề, đại học chỉ chiếm 30%. Nếu chọn ngành nghề không đúng theo thực lực của mình thì chắc chắn thất bại.”
(Tuoitreonline, ngày 09/03/2015)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Nêu ý chính của văn bản.
2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
3. Hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về việc chọn ngành nghề cho bản thân.
3…Không những là người cán bộ đã dành trọn cả một đời vì Đảng, vì dân, đồng chí Nguyễn Bá Thanh còn là một người con hết mực hiếu thảo, một người chồng thủy chung, một ng ười anh, một người cha, một người ông mẫu mực, hết lòng thương yêu vợ, thương yêu các con, các cháu... mãi mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Với những công lao cống hiến to lớn của mình, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, đồng chí đ ược tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước; nh ưng cao quý nhất và đáng tự hào nhất, chính là tấm huân chương của lòng dân, mà nhân dân và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Đà Nẵng cũng như trong cả nước đã dành trọn cho đồng chí…
( Trích Điếu văn tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương - Báo điện tử INFONET giới thiệu ngày 16/02/2015).
Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi sau:
1/ Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên.
2/ Nêu nội dung chính của văn bản.
3/ Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ về từ trong câu văn “cao quý nhất và đáng tự hào nhất, chính là tấm huân chương của lòng dân, mà nhân dân và cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Đà Nẵng cũng như trong cả nước đã dành trọn cho đồng chí”…
4/Khi nói tới tư tưởng thân dân có nhà thơ viết :
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Hãy cho biết câu trên nằm trong tác phẩm nào ? của ai ?
5/Viết một đoạn văn từ 5 đến 7 câu về những tấm gương suốt đời phấn đấu vì dân vì nước ?
5.Cho đoạn văn sau:
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
(Trích Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh)
Hãy trả lời các câu hỏi:
1. Xác định phong cách ngôn ngữ (PCNN)? Đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ đó?
2. Nêu những ý chính trong đoạn văn?
3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng và hiệu quả nghệ thuật?
4. Ý nghĩa của các từ ngữ: “nổi dậy”, “lập nên”, “lấy lại” được tác giả sử dụng trong đoạn văn.
6. Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
“... Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, Internet nói chung, Facebook nói riêng hàm chứa hiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế, nó cực kì nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức … và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân. Do được sáng tạo trong môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô văn hóa… Không ít kẻ tung lên Facebook những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm nói xấu, đả kích, thóa mạ người khác. Chưa kể đến những hiện tượng xuyên tạc tiếng Việt, viết tắt, kí hiệu đến kì quặc, tùy tiện đưa vào văn bản những chữ z, f, w vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt…”
(Trích “Bàn về Facebook với học sinh”, Lomonoxop. Edu.vn)
a. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
b. Nội dung khái quát của văn bản trên?
c. Yếu tố nghệ thuật chủ yếu
7.Đọc đoạn trích sau :
“Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.
(Trích Tuyên ngôn Độc lập - Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39 - 40)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
2. Nêu các dạng phép điệp của văn bản và hiệu quả nghệ thuật của chúng?
3. Nội dung chính của văn bản là gì?
8 Cho đoạn thơ : “Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào…”
(Dặn con – Trần Nhuận Minh, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)
Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Người cha đã nhắc nhở con điều gì trong đoạn thơ? (1.0 điểm)
b. Thái độ của người cha được thể hiện ra sao qua hai cụm từ: không được và không bao giờ được?(0.5 điểm)
c. Hãy lí giải tại sao người cha lại dặn dò con: không bao giờ được hỏi/ Quê hương họ ở nơi nào. (1.0 điểm)
d. Anh/chị nhận ra được bài học cuộc sống nào từ lời dặn con này? (0.5 điểm)
9. “Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
(Trích “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm)
1)Chủ đề của đoạn thơ trên là gì?
2) Phân tích giá trị biện pháp tu từ trong đoạn thơ.
3) Theo anh/chị, thể thơ mà nhà thơ sử dụng có ý nghĩa như thế nào trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng trong đoạn thơ trên?
10.. “Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không những vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kỳ diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra chung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy. Câu thơ hay, có cái gì làm rung những chiếc cốc kia trên bàn, làm lay động ánh trăng kia trên bờ đê. “Chim hôm thoi thót về rừng..”. Chúng ta đọc mà thấy rõ buổi chiều như hơi thở tắt dần, câu thơ không còn là một ý, một bức ảnh gắng gượng chụp lại cảnh chiều, nó đã bao phủ một vầng linh động truyền sang lòng ta cái nhịp phập phồng của buổi chiều. Mỗi chữ như một ngón nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả chung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc chung quanh. Người xưa nói: Thi tại ngôn ngoại”.
(Trích Mấy ý nghĩ về thơ. Tuyển tác phẩm văn học Nguyễn Đình Thi. Tiểu luận-Bút kí. NXB Văn học, Hà Nội, 2001)
Đọc đoạn trích văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau :
1. Nêu những ý chính của đoạn trích văn bản trên?
2. Người viết đã sử dụng kết hợp các thao tác lập luận nào trong đoạn trích trên? Xác định thao tác lập luận chính.
3. Xác định và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Mỗi chữ như một ngón nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung.
4. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu: “Thi tại ngôn ngoại”? Hãy chỉ ra phần “Thi tại ngôn ngoại” trong 2 câu thơ:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
( Đất nước- Nguyễn Đình Thi)