BIỂN,ĐẢO - CHỦ ĐỀ 2
Lượt xem:
2024
-
Ngày tạo: (04/01/2013)
Có thế bạn quan tâm ?
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN TỔNG HỢP CÁC NGÀNH KINH TẾ BIỂN
Ở VIỆT NAM
Hình 2.1: Lược đồ tiềm năng một số ngành kinh tế biển Việt Nam
1. Khai thác tổng hợp các ngành kinh tế biển, đảo
Hoạt động kinh tế biển, đảo rất đa dạng bao gồm đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác các đặc sản, khai thác khoáng sản trong nước biển và trong lòng đất, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Chỉ có khai thác tổng hợp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Môi trường biển là không chia cắt được. Bởi vậy, một vùng biển bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho cả vùng bờ biển, cho các vùng nước và đảo xung quanh.
Môi trường đảo, do sự biệt lập nhất định của nó, không giống như trên đất liền, lại do có diện tích nhỏ, nên rất nhạy cảm trước tác động của con người. Chẳng hạn, việc chặt phá rừng và lớp phủ thực vật có thể làm suy giảm rõ rệt nguồn cung cấp nước ngọt, khiến đời sống nhân dân trên đảo gặp rất nhiều khó khăn
2. Khai thác và nuôi trồng hải sản
2.1. Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để phát triển ngành khai thác và nuôi trồng hải sản
- Nước ta có bờ biển dài 3260km và vùng đặc quyền kinh tế rộng khoảng 1 triệu km2. Vùng biển nước ta có nguồn lợi hải sản khá phong phú. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, cho phép khai thác hàng năm khoảng 1,9 triệu tấn.
+ Biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó có hơn 100 loài có giá trị kinh tế. Các loài có sản lượng cao nhất thuộc nhóm cá nổi là cá nục, cá trích, cá cơm, cá nhám, cá căng, cá hồng, cá hố, cá đỏ môi, cá ngừ, cá thu, cá chuồn, cá chim, cá liệt... Thuộc nhóm cá tầng đáy có cá lượng, cá mối, cá hồng, cá khế, cá trác, cá miễn sành, cá sạo, cá song, cá đối, cá phèn, cá đù, cá úc...
Trữ lượng cá nổi khoảng trên 1,7 triệu tấn và khả năng khai thác hàng năm đạt khoảng 700.000 tấn. Nơi khai thác nhiều nhất là vùng biển phía đông Nam Bộ chiếm 30,3%, sau đó đến miền Trung khoảng 28,9%, vịnh Bắc Bộ 22,5% và sau cùng là vùng biển phía Tây Nam Bộ (vịnh Thái Lan) 18,3%.
Trữ lượng cá tầng đáy khoảng hơn 1 triệu tấn với khả năng khai thác khoảng trên 400000 tấn/năm. Vùng biển phía đông Nam Bộ cũng là nơi nhiều cá tầng đáy nhất, chiếm tới 67,91% trữ lượng và khả năng khai thác, sau đến vịnh Thái Lan chiếm 18,5%, vịnh Bắc Bộ chiếm 7,6% và cuối cùng là miền Trung chiếm 6%.
Như vậy tổng trữ lượng cá biển trên biển Đông Việt Nam là khoảng hơn 2,7 triệu tấn, với khả năng khai thác khoảng 1,1 triệu tấn, trong đó cá nổi chiếm 62,8%, cá tầng đáy 37,2%. Nơi giàu nhất là khu vực đi từ Ninh Thuận đến Kiên Giang, sau đó đến vịnh Bắc Bộ, nghèo nhất từ Đà Nẵng đến Nha Trang.
+ Biển nước ta có khoảng 1647 loài giáp xác, trong đó tôm, cua là những loài có giá trị kinh tế cao.
• Tôm có khoảng 100 loài, nhiều loài có giá trị kinh tế (khoảng 50%) đa số sống ở vùng biển nông tới độ sâu 50m, rất thuận lợi cho việc đánh bắt. Cũng có loài sống ở ngoài khơi, xa vùng cửa sông, nhưng ở các thời kì tôm con và lớn lên chúng vẫn thường cư trú ở các bãi triều cửa sông ven biển.
Tôm he tập trung nhiều nhất từ Vũng Tàu đến Phú Quốc, thứ hai là vùng ven biển Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, thứ ba là ngoài khơi Ninh Thuận – Bình Thuận. Các loài tôm he có giá trị kinh tế cao là tôm he bạc, tôm rảo, tôm bộp, tôm sắt, tôm thẻ rằn, tôm sú, tôm vàng, tôm đuôi xanh. Tôm sú có kích thước lớn nhất, dài trung bình 20cm, năng 150g, tối đa có thể đạt đến 30cm, nặng 250g.
Tôm hùm và tôm rồng tập trung ở vùng duyên hải Trung Bộ từ Quảng Bình đến Ninh Thuận. Các loài tôm hùm có giá trị kinh tế cao là tôm hùm sao (loài lớn nhất, tối đa dài đến 36cm, năng 3,4kg, còn trung bình dài khoảng 23cm, năng 2kg), tôm hùm ma, tôm hùm đỏ, tôm hùm sỏi, tôm hùm xanh, tôm hùm lông. Tôm hùm đỏ và tôm hùm sỏi chiếm khoảng 70% tổng sản lượng tôm hùm.
Tôm vỗ tập trung ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), ngoài khơi Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên, ngoài khơi Ninh Thuận – Bình Thuận và vùng Côn Đảo.
Khả năng khai thác tôm ở vùng biển nước ta khoảng 55 – 70 ngàn tấn/năm, trong đó ( ) vùng ven bờ khoảng 20.000 - 24.000 tấn (Nam Bộ 16.500 - 19.000 tấn, Trung Bộ 2.000 - 3.000 tấn, Vịnh Bắc Bộ 1.500 - 2.000 tấn) và vùng xa bờ khoảng 35.000 - 46.000 tấn
Vùng biển nước ta có khoảng 800 loài cua trong tổng số 2500 loài cua của vùng biển nhiệt đới Ấn Độ Dương – tây Thái Bình Dương. Có giá trị nhất là nhóm cua bể, ghẹ. Nhìn chung chúng có mặt ở hầu hết các vùng bờ biển, nhưng ít tập trung thành các bãi lớn. Vì vậy việc khai thác thường là thủ công, cho năng suất thấp. Theo những kết quả nghiên cứu, ở vịnh Bắc Bộ có khoảng 400 loài cua, phân bố tới độ sâu 40 – 50m. Ngoài ra, nhân dân vùng ven biển còn khai thác cáy rạn, cùm cụp, cáy xanh... làm thực phẩm
+ Vùng biển nước ta có rất nhiều loài nhuyễn thể, với hơn 2500 loài.
• Mực có 37 loài thuộc 4 họ (mực nang, mực ống, mực xim, mực ommastrephidae). Trong số này mực nang và mực ống có số lượng lớn và phân bố rộng. Mực phân bố ở độ sâu khoảng 10 - 70m, có nồng độ muối khoảng 30‰ và nhiệt độ nước biển trên 200C.
Những nơi mực tập trung thành các ngư trường lớn phân bố ở vùng đảo Cái Chiêm – Vĩnh Thực, quần đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Mắt (Nghệ An), vùng biển Phan Thiết – Hàm Tân (Bình Thuận). Ngoài ra, mực còn có ở vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Rang (Nình Thuận), Côn Đảo, Cà Mau nhưng số lượng không lớn.
Trữ lượng mực ở vùng biển nước ta khoảng gần 60 nghìn tấn, trong đó khả năng đánh bắt khoảng gần 24 ngàn tấn, chiếm 40% trữ lượng.
Bảng 2.1. Trữ lượng mực ở các vùng biển Việt Nam (đơn vị: tấn) ( )
Loại mực Vịnh Bắc Bộ Biển miền Trung Đông Nam Bộ Tây Nam Bộ
Mực ống 658,8 369,78 6284,76 953,4
Mực nang 706,0 1171,0 29329 19068
• Ốc có mặt ở hầu hết các vùng ven biển nước nông. Ở vịnh Bắc Bộ, trong nhóm các loài ốc thì có giá trị kinh tế cao là bào ngư. Bào ngư phân bố ở nhiều quần đảo Cô Tô, Ba Mùn, Thượng Mai (Quảng Ninh) Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), ven biển Hà Tĩnh, Quảng Trị, quần đảo Côn Sơn... Ở ngoài khơi, trên các rạn san hô của Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Nam có nhiều loài ốc kích thước lớn, vỏ có nhiều vân đẹp như: ốc đụn, ốc xà cừ, ốc gáo, ốc lam, vú nàng... không chỉ làm thực phẩm mà còn khai thác vỏ để làm hàng mĩ nghệ.
• Trai ngọc: chủ yếu khai thác để lấy ngọc sản xuất các mặt hàng mĩ nghệ xuất khẩu. Chúng thường phân bố ở các rạn đá, rạn san hô của vùng đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Nam Trung Bộ, Côn Đảo.
• Sò huyết: là sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Những vùng sò huyết có hàm lượng và chất lượng cao phân bố ở Quảng Ninh, Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Ô Loan (Phú Yên), ven biển Đông Nam Bộ.
• Hàu: thường phân bố trong vùng biển có rạn đá quanh các đảo, các vùng cửa sông. Tại những vùng nước lợ có mực triều cao, giàu thức ăn, hàu phát triển nhanh.
• Ngoài ra còn các loài như vẹm xanh, trai tai tượng, hến biển chỉ thấy phân bố ở vùng biển Nam Trung Bộ, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa... Những loài có kích thước lớn, cho sản lượng thịt cao. Những giống loài khác như: tu hài, don, dắt, móng tay, quéo bùn... cũng được nhân dân ta khai thác làm thực phẩm.
+ Đã phát hiện được 653 loài rong biển trong vùng biển Đông Việt Nam. Trong các ngành rong, rong đỏ có 310 loài (chiếm 47,5%), rong lục 151 loài (21,1%), rong nâu 124 loài (19%), rong lam 68 loài (chiếm 12,4% còn lại. Số loài rong biển có giá trị kinh tế khoảng 90 loài, chiếm 13,7% trong tổng số 653 loài, trong đó rong mơ và rong câu là quan trọng nhất.
• Rong mơ có trữ lượng khoảng 35.000 tấn, tập trung nhiều ở phía Nam (chiếm 61,42%), nhất là từ Phú Yên đến Bình Thuận, còn ở miền Bắc (chiếm 38,58%), tập trung hầu hết ở Quảng Ninh.
• Rong câu có trữ lượng khoảng 9300 tấn, vịnh Bắc Bộ có khoảng 5500 tấn chiếm 59,1%, còn miền Nam có 3800 tấn, chiếm 48,9%. Các tỉnh có nhiều rong câu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...
+ Vùng biển nước ta còn có nhiều loài chim biển (khoảng 200 loài chim với các nhóm: hải âu, bồ nông, rẽ, mòng biển, yến...) và nhiều loài bò sát quý hiếm, nằm trong Sách đỏ thế giới.
- Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là : ngư trường Cà Mau - Kiên Giang (ngư trường vịnh Thái Lan), ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng -Quảng Ninh (ngư trường vịnh Bắc Bộ) và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa. Đây là nơi có nhiều cá, tôm và các hải sản khác, thuận lợi cho việc khai thác, cho năng suất và sản lượng cao.
- Dọc bờ biển nước ta có những bãi triều, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn. Đó là những khu vực thuận lợi cho nuôi trồng hải sản. Ở một số hải đảo có các rạn đá, là nơi tập trung nhiều hải sản có giá trị kinh tế... Ven bờ có nhiều đảo và vũng, vịnh tạo điều kiện cho các bãi cá đẻ.
- Nhân dân ta có kinh nghiệm và truyền thống đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Các phương tiện tàu thuyền, ngư cụ được trang bị ngày càng tốt hơn. Hoạt động khai thác và nuôi trồng được thuận lợi hơn do phát triển dịch vụ thuỷ sản và mở rộng chế biến thuỷ sản.
- Cùng với sự tăng dân số thế giới và trong nước, nhu cầu về các mặt hàng thuỷ sản tăng nhiều trong những năm gần đây. Các mặt hàng thuỷ sản của nước ta cũng đã thâm nhập được vào thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kì...
- Những đổi mới trong chính sách của Nhà nước đã và đang có tác động tích cực tới sự phát triển ngành thuỷ sản. Khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi và giữ vững chủ quyền vùng biển, hải đảo.
- Tuy nhiên, việc phát triển ngành hải sản ở nước ta gặp không ít khó khăn.
+ Hàng năm có tới 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông và khoảng 30 - 35 đợt gió mùa Đông Bắc, nhiều khi gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, hạn chế số ngày ra khơi.
+ Tàu thuyền, các phương tiện đánh bắt nói chung còn chậm được đổi mới, do vậy năng suất lao động còn thấp. Hệ thống các cảng cá còn chưa đáp ứng yêu cầu.
+ Ở một số vùng ven biển, môi trường bị suy thoái và nguồn lợi thuỷ sản cũng bị đe doạ suy giảm.
2.2. Thực trạng khai thác và nuôi trồng hải sản
* Đánh bắt và khai thác hải sản
- Đánh bắt hải sản: cá, tôm, cua, mực...
Nhìn chung, sản lượng đánh bắt hải sản (chủ yếu là cá biển) trong những năm qua liên tục tăng.
Bảng 2.2. Sản lượng đánh bắt hải sản của nước ta (nghìn tấn)
Năm Tổng số Trong đó cá:
2005 1791,1 1367,5
2006 1823,7 1396,5
2007 1876,3 1433,0
2008 1946,7 1475,8
2009 2091,7 1574,1
2010 2226,6 1648,2
Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, 2010.
Trong cơ cấu sản lượng hải sản, cá biển chiếm ưu thế tuyệt đối, phần còn lại là tôm, mực và các hải sản khác.
Bảng 2.3. Cơ cấu sản lượng khai thác hải sản (%)
Năm Tổng số Cá Tôm, mực và các hải sản khác
2005 100,0 76,3 23,7
2006 100,0 76,6 23,4
2007 100,0 76,4 23,6
2008 100,0 75,8 24,2
2009 100,0 75,3 24,7
2010 100,0 74 24,0
Sản lượng đánh bắt cá biển nhiều nhất ở vùng biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm gần 42,3%), Duyên hải Nam Trung Bộ (chiếm hơn 29%) và Đông Nam Bộ (chiếm khoảng 12%). Riêng ba vùng này chiếm tới 83,3% sản lượng cá biển được khai thác của cả nước. Các tỉnh dẫn đầu về sản lượng đánh bắt là Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Cà Mau.
Việc gia tăng sản lượng khai thác hải sản trong những năm gần đây là do số lượng tàu đánh bắt tăng và ngày càng hiện đại. Các tàu có thể đánh bắt xa bờ với thời gian dài, góp phần hạn chế suy giảm nguồn lợi hải sản ven bờ và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Bảng 2.4. Số tàu đánh bắt hải sản xa bờ của nước ta
Năm Số tàu đánh bắt (chiếc) Tổng công suất các tàu đánh bắt (nghìn CV)
2000 9766 1385,1
2005 20537 2801,1
2006 21232 3046,9
2007 21552 3051,7
2008 22729 3342,1
2009 24990 3721,7
2010 25346 4498,7
Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, 2010. Tổng cục Thống kê.
Tuy nhiên việc đánh bắt hải sản vẫn còn nhiều tồn tại cần phải giải quyết:
+ Mặc dù phương tiện đánh bắt ngày càng hiện đại nhưng vẫn còn nhiều phương tiện đánh bắt lạc hậu, nên việc đánh bắt ven bờ vẫn diễn ra phổ biến làm cho nguồn lợi hải sản ven bờ bị suy giảm nhanh chóng.
+ Việc sử dụng ánh sáng quá mức, sử dụng chất độc hoặc nổ mìn không những tận diệt loại hải sản đang khai thác mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác.
Hình 2.2: Đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ.
+ Việc sử dụng mắt lưới quá nhỏ khiến các loài bị khai thác triệt để, không còn con giống để phát triển cho mùa sau.
+ Còn đánh bắt vào mùa cá sinh sản. Việc đánh bắt vào mùa cá sinh sản sẽ làm thiệt hại đến cá mẹ, cá non, ấu trùng.
Để khai thác nguồn lợi hải sản một cách bền vững, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền đất nước cần đầu tư nâng cấp phương tiện đánh bắt xa bờ; hoàn thiện và mở rộng các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, nhất là vùng biển quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; không sử dụng hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt; quy định kích thước mắt lưới, thời gian và khu vực khai thác; cứu hộ và thả về biển những sinh vật quý hiếm...
- Khai thác rong biển
+ Rong biển có rất nhiều công dụng.
Nhóm dùng làm thực phẩm chiếm tới 33%, do rong biển giàu protein, chủ yếu gồm các loài như rong cải biển, rong mứt, rong đông, rong giấy, rong cạo, rong thun thút... dùng để làm nộm hoặc nấu thạch, chế biến nước giải khát, có thể phơi khô để dùng dần.
Nhóm dùng trong công nghiệp chiếm 27%, chủ yếu để chế biến agar, alginate. Agar được chế biến từ rong câu có trên 50 công dụng, như làm tăng độ trong của rượu, làm xốp bánh mì, lấy giấy bọc kẹo, vỏ bọc thuốc, hồ tơ lụa, làm thuốc đánh răng... Alginate chế biến từ rong mơ cũng được dùng để sản xuất cao su, xà phòng, keo dính, giấy không thấm nước, kem bôi da, thuốc nhuộm tóc, dầu bôi trơn...
Nhóm dùng trong y dược chiếm 20% để chế thuốc giun, thuốc điều tiết sinh sản, điều trị huyết áp, điều chế thuốc gây mê, chữa bệnh bướu cổ, làm chỉ khâu vết thương...
Ngoài ra, rong biển còn được khai thác làm thức ăn cho gia súc, làm phân bón hữu cơ …
+ Về sản lượng khai thác: rong câu có sản lượng khai thác khoảng 7000 tấn, trong đó rong câu chỉ vàng chiếm tuyệt đại đa số (trên 90%). Sản lượng rong mơ khai thác chỉ được khoảng 2000 tấn.
+ Do rong biển có nhiều giá trị, cho nên trong những năm gần đây, người dân vùng ven biển đã ồ ạt khai thác cây rong biển, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái biển, tận diệt các loài thủy sản trú ngụ, sinh sản ở các vùng có cây rong biển sinh sống.
Hình 2.4 Rong được phơi dọc bờ biển Quảng Ngãi. Hình 2.5. Phơi rong biển ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh
Nhiều nơi rong biển khai thác lên được phơi trên cát hoặc chất thành từng đống. Trước kia, mỗi năm người ta chỉ vớt rong vào tháng 5 và 6, còn bây giờ, nhiều nơi rong được khai thác từ tháng 3 tháng 4; thay vì chỉ vớt ven bờ ở độ sâu khoảng 3 mét nước thì nhiều người khai thác lặn xuống lấy rong cả ở những nơi rất sâu, kể cả ở các rạn san hô quý hiếm. Cũng vì cho thu nhập cao mà rất ít ngư dân biết được rằng, việc khai thác rong một cách vô tội vạ như vậy sẽ khiến môi trường sinh thái biển bị tổn hại và chính họ sẽ là những người trước tiên bị tác động tiêu cực. Theo một số tài liệu khoa học, việc khai thác rong như vậy sẽ khiến các rạn san hô bị phá hủy và tôm, cá không còn nơi trú ngụ, sinh sản. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm là thời gian sinh sản của các loài hải sản và sinh vật biển, do đó hệ sinh thái biển cần được duy trì và bảo vệ một cách tốt nhất, tạo điều kiện cho các loài hải sản và sinh vật biển phát triển.
+ Vẫn biết rong biển mang lại nhiều lợi ích cho con người, là loài có chu trình đời sống 1 năm, nếu không được khai thác thì chúng cũng bị tàn lụi, thối rữa. Tuy nhiên cần phải bảo vệ, có biện pháp khai thác hợp lí bằng cách:
• Qui hoạch vùng khai thác, ấn định thời gian khai thác rong biển để tránh tác động xấu đến môi trường biển, làm giảm nguồn lợi thuỷ sản.
• Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát khai thác rong biển.
• Khuyến cáo người dân tuân thủ những nguyên tắc chung khi tiến hành khai thác rong biển.
• Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng dân cư về nguồn lợi, giá trị của rong biển đối với môi trường, đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển...
- Các loài khác: ráp xác (cua, ghẹ...) nhuyễn thể (ốc, sò, tu hài, vẹm...), chim biển (chim yến) cũng được khai thác ngày càng nhiều để phục vụ cho nhu cầu của người dân, nhất là khách du lịch. Một số loài bò sát biển có nguy cơ bị tuyệt chủng do bị săn bắt ráo riết để làm thực phẩm, làm đồ mỹ nghệ...
* Nuôi trồng hải sản
- Hiện nay, nhiều loại hải sản đã trở thành đối tượng nuôi trồng, trong đó cá, tôm được nuôi trồng phổ biến hơn cả.
Nuôi trồng hải sản liên quan chặt chẽ đến diện tích mặt nước và thị trường tiêu thụ. Nhìn chung, diện tích nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2005 - 2010 không ổn định, từ 2005 đến 2007 tăng nhanh, nhưng năm 2008 giảm, năm 2009, 2010 đã tăng trở lại.
Về cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản biển, tôm chiếm ưu thế tuyệt đối. Tôm sú, tôm càng xanh, tôm hùm được nuôi nhiều.
Bảng 2.5. Diện tích nuôi trồng thủy sản biển ở nước ta (nghìn ha)
Năm Tổng số Cá Tôm Nuôi hỗn hợp và thủy sản khác
2005 220,5 2,2 200,8 17,5
2007 339,9 3,4 309,5 27,0
2008 310,2 3,1 282,4 24,7
2009 328,5 3,1 300,5 24,9
2010 339,2 3,2 311,0 25,0
Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, 2010. Tổng cục Thống kê.
Mặc dù diện tích nuôi trồng không ổn định nhưng sản lượng luôn tăng.
Bảng 2.6. Sản lượng nuôi trồng thủy sản biển ở nước ta (nghìn tấn)
Năm Tổng số Cá Tôm
2000 51,5 9,3 30,5
2005 103,0 30,0 50,7
2006 178,0 36,5 68,2
2007 253,6 41,5 71,5
2008 289,3 45,4 74,2
2009 308,7 49,8 77,5
2010 325,3 55,0 89,4
Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, 2010. Tổng cục Thống kê.
Các tỉnh có sản lượng tôm nuôi lớn nhất là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang. Nghề nuôi tôm cũng đang phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh duyên hải.
Việc phát triển nghề nuôi tôm mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân nhưng cũng gây tác hại tới môi trường. Rừng ngập mặn có xu hướng giảm về diện tích, suy giảm đa dạng sinh học, một trong những nguyên nhân là do sự gia tăng về diện tích nuôi tôm.
Cần phải tính toán kĩ lưỡng khi nuôi tôm trong rừng ngập mặn làm sao không ảnh hưởng đến rừng ngập mặn, đồng thời giúp cải thiện kinh tế cho nhân dân. Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp với các tổ chức quốc tế khác đã đưa ra các nguyên tắc nuôi tôm bền vững mà không ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài đến rừng ngập mặn.
• Lựa chọn vị trí nuôi tôm phù hợp.
• Thiết kế và xây dựng khu vực nuôi tôm nhằm giảm thiệt hại môi trường.
• Sử dụng của nước thải nuôi tôm đến nguồn nước.
• Lựa chọn nguồn giống tôm nuôi địa phương không bị dịch bệnh.
• Lựa chọn và quản lí thức ăn của tôm sao cho hiệu quả và ít xả thải ra môi trường.
• Chăm sóc tôm nuôi bằng các phương pháp không gây hại cho các sinh vật hoang dã.
• Đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng tôm nuôi. Không sử dụng các hóa chất gây hại cho hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Hình 2.6. Nuôi tôm tại Cà Mau
- Để đẩy mạnh chương trình nuôi trồng hải sản đến năm 2015, tổng sản lượng cá biển nuôi của cả nước đạt 160.000 tấn và định hướng đến năm 2020 đạt 200.000 - 260.000 tấn, cả hai hình thức: nuôi cá biển theo kiểu lồng bè đơn giản, phân tán trong các eo vịnh, cửa sông, ven biển và nuôi trên lồng bè tập trung quy mô công nghiệp ở các vùng vịnh bán kính xa bờ tại một số tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang đang được triển khai mạnh mẽ. Các loài hải sản được khuyến khích nuôi như cá giò, cá tráp, cá hồng …
- Nghề nuôi trồng nhuyễn thể bao gồm ngao, sò lông, trai ngọc, hàu, tu hài... bắt đầu được phát triển ở nhiều nơi. Đáng chú ý hơn cả là việc nuôi trai ngọc nhỏ bằng công nghệ của Nhật Bản ở Quảng Ninh và nuôi trai ngọc lớn của Ôx-trây-li-a ở Khánh Hòa. Hàu được nuôi nhiều ở Hải Phòng, Hà Tiên (Kiên Giang)...
- Việc nuôi rong biển phát triển ở các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung. Phần nhiều rong biển được chế biến thành agar phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, rong biển cũng đang được khuyến khích nuôi trồng. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường và giá cả cho nên việc nuôi trồng rong biển còn gặp nhiều khó khăn.
Nhờ đẩy mạnh nuôi trồng hải sản, cơ cấu kinh tế ở nhiều vùng ven biển có những chuyển biến tích cực. Cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tài nguyên biển được tận dụng và sử dụng hợp lí hơn.
3. Khai thác tài nguyên khoáng sản biển, đảo
3.1.Dầu khí
Tài nguyên dầu khí của nước ta phong phú với trữ lượng khoảng vài tỉ tấn dầu và hàng trăm tỉ m3 khí. Hầu hết các diện tích chứa dầu đều nằm trên thềm lục địa với độ sâu không lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Kết quả công tác tìm kiếm thăm dò trong thời gian qua đã xác định ở vùng thềm lục địa nước ta có 8 bể trầm tích Đệ tam (có thời gian cách ngày nay khoảng 23 triệu năm) là : Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu – Mã lai, Tư Chính – Vũng Mây, Hoàng Sa và nhóm bể Trường Sa, với diện tích gần 1 triệu km2. Trong số này, công tác tìm kiếm, thăm dò mới chỉ tập trung ở các bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu – Mã Lai, Sông Hồng.
- Bể Sông Hồng: Chiếm phần lớn vịnh Bắc Bộ và kéo dài một phần ở vùng biển miền Trung. Đã khoan vài chục giếng, trong đó hàng chục giếng phát hiện thấy khí. Kết quả thăm dò thì bể Sông Hồng có triển vọng chứa dầu khí, trong đó tiềm năng sinh khí là chủ yếu. Mỏ khí tự nhiên đã được đưa vào khai thác ở Tiền Hải, Thái Bình.
- Bể Phú Khánh: Phân bố dọc biển Trung Bộ, phần lớn phân bố ở độ sâu 200m. Do nằm kề với bể trầm tích Cửu Long, nên nó được đánh giá là có triển vọng về dầu khí.
- Bể Cửu Long: Phân bố dọc vùng biển Đông Nam Bộ. Đây là bể được tiến hành khoan thăm dò sớm (từ đầu những năm 1970). Tại bể Cửu Long hiện nay có một số mỏ đang được khai thác: Bạch Hổ và Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc...
Hàng chục giếng khoan khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ và Rồng có lưu lượng dầu hàng trăm tấn/ngày đêm, có giếng đạt tới 1000 tấn/ngày đêm.
- Bể Nam Côn Sơn: Phân bố ở rìa phía nam đảo Côn Sơn. Công tác thăm dò bắt đầu từ những năm 1970. Cho tới nay đã phát hiện nhiều giếng khoan có dầu khí (khí là chủ yếu). Hiện nay tại bể Nam Côn Sơn có một số mỏ đã được đưa vào khai thác như mỏ Đại Hùng, Lan Tây, Lan Đỏ, Rồng Đôi, Rồng Đôi Tây...
- Bể Thổ Chu – Mã lai: Phân bố ở vùng vịnh Thái Lan. Ở đây phát hiện thấy dầu khí. Khí ở đây có hàm lượng CO2 cao, dao động từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm. Mỏ Bunga-Kekwa được đưa vào khai thác năm 1997.
- Bể Vũng Mây: Phân bố ở phía đông – đông nam bể Nam Côn Sơn. Các điều kiện sinh dầu, chứa dầu chưa thật sáng tỏ. Bể đang được tiếp tục tiến hành điều tra nghiên cứu.
- Hai bể Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều triển vọng dầu khí và chứa đựng tài nguyên băng cháy (methane hydrate), loại năng lượng sạch trong tương lai có thể còn quý hơn dầu mỏ.
Dầu mỏ là “vàng đen” của Tổ quốc. Dầu mỏ ngoài khả năng sinh nhiệt lớn (10.000 đến 11.500 kcal/kg), dầu mỏ rất tiện sử dụng và vận chuyển, dễ dàng cơ khí hóa việc nạp nhiên liệu vào động cơ. Nhiên liệu cháy hoàn toàn và không tạo thành tro. Từ dầu mỏ, sản xuất ra nhiều loại hóa phẩm, dược phẩm.
Nước ta mới bắt đầu khai thác dầu mỏ từ năm 1986, nhưng đến năm 2005 đã đạt sản lượng 18,5 triệu tấn dầu thô. Cùng với dầu mỏ, khí tự nhiên cũng đang được khai thác, đặc biệt là dự án Nam Côn Sơn đưa khí từ mỏ Lan Đỏ, Lan Tây về cho các tuốc bin khí của nhà máy điện Phú Mỹ và Cà Mau. Ngoài ra, khí còn là nguyên liệu để sản xuất phân đạm (Phú Mỹ, Cà Mau); khí gas được hóa lỏng để làm nhiên liệu khá phổ biến trong các gia đình.
Bảng 2.7. Sản lượng khai thác dầu khí nước ta giai đoạn 2005 - 2010
Năm 2005 2007 2008 2009 2010
Dầu thô (triệu tấn) 18.5 15.9 14.9 16.4 15.0
Khí tự nhiên (triệu m3) 6440 7080 7499 8010 9240
Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, 2010. Tổng cục Thống kê.
Dầu khí là tài nguyên không thể phục hồi, khai thác đến đâu hết đến đấy. Ô nhiễm dầu và dầu tràn dù nồng độ dầu trong nước chỉ 0,1mg/l cũng có thể gây chết các loài sinh vật phù du; ảnh hưởng lớn đến con non và ấu trùng của các sinh vật đáy biển... Ô nhiễm dầu ở biển còn ảnh hưởng đến ngành du lịch và các hoạt động kinh tế khác. Năm 2010, vụ nổ tại dàn khoan dầu Deepwater Horizon trong vịnh Mexico làm chết 11 người và khiến hàng trăm nghìn tấn dầu tràn lên mặt biển. Người ta phát hiện xác nhiều con cá mập và cá heo dạt vào bờ. Cua, rùa và chim vật lộn trong làn nước ô nhiễm khi dầu lan tới những vùng đầm lầy của bang Louisiana. Một bãi biển ở phía nam New Orleans phải ngừng hoạt động vì dầu.
Vì vậy cần phải khai thác và sử dụng hợp lí, tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác và vận chuyển.
3.2. Tài nguyên muối
Nước ta có đường bờ biển dài 3260km. Độ muối trong nước biển trung bình 32‰ - 33‰, gần bằng độ muối bình quân ở đại dương (35‰). Độ mặn của nước biển thay đổi tùy theo khu vực, theo mùa và theo độ sâu.
Do nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, với nền nhiệt độ cao (trung bình năm trên toàn quốc đều lớn hơn 200C - trừ vùng núi cao), nhiều nắng (tổng số giờ nắng tùy nơi từ 1400 đến 3000 giờ/năm), song độ ẩm lớn (trên 80 %), mưa nhiều (lượng mưa trung bình năm từ 1500 – 2000mm) nên ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất cũng như năng suất muối.
Thời vụ sản xuất muối ở miền Bắc bắt đầu từ cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 7. Ở miền Nam bắt đầu từ cuối tháng 1 và kết thúc vào cuối tháng 6.
Ở một vài tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, muối có thể sản xuất quanh năm.
Muối có vai trò to lớn trong đời sống và hoạt động sản xuất. Muối không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Muối còn được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế như chế biến thực phẩm, hóa chất, y học, xuất khẩu... Chính vì vậy, ngay từ thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã thành lập những công ty độc quyền buôn bán muối. Nguồn thuế thu từ muối chiếm 6% Ngân sách Đông Dương (thời kỳ 1928 - 1936), lợi nhuận kinh doanh muối của Sở Thương chính Đông Dương năm 1936 tương đương 47.618 tấn gạo. Trong vòng khoảng 40 năm đầu thế kỉ XX, các công ty độc quyền muối đã xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn muối.
Từ khi nước ta thống nhất, sản lượng muối hàng năm nói chung không ngừng tăng, không chỉ đáp ứng nhu cầu muối ăn cho nhân dân mà còn cho cả công nghiệp và xuất khẩu. Năm 1995, cả nước có khoảng 11.454ha với sản lượng 630.000 tấn, đến năm 2009 tăng lên 14.404ha với sản lượng khoảng 1 triệu tấn.
Những địa phương có diện tích và sản lượng muối nhiều là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Ninh Thuận là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất muối. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt: mùa khô kéo dài, mưa ít, lượng bốc hơi cao, nồng độ muối trong nước biển cao nhất nước (bằng nồng độ muối đại dương)... Đây là lợi thế để Ninh Thuận sản xuất muối công nghiệp với quy mô lớn. Năng suất muối có thể đạt bình quân trên dưới 150 tấn/ha/năm, tương đương năng suất các đồng muối công nghiệp loại trung của thế giới. Có thể tạo được những cánh đồng muối có quy mô tập trung nhiều ngàn ha, sản lượng có thể đạt trên dưới một triệu tấn, mở ra khả năng rất lớn để áp dụng công nghệ cao và trang bị cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch.
Ninh Thuận đang tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất, lưu thông muối trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và đến năm 2020. Định hướng của tỉnh là đầu tư cải tạo, nâng cấp các đồng muối công nghiệp hiện có và xây dựng các đồng muối mới để đến năm 2015, đưa tổng diện tích đồng muối toàn tỉnh lên gần 5000ha, trong đó, diện tích thực tế đưa vào sản xuất khoảng 4000ha.
3.3. Các loại khoáng sản khác
- Titan
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư, titan (Ti) là nguyên tố hoá học nhóm IV B, chu kì 4 bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học; số thứ tự 22, nguyên tử khối 47,90, do nhà khoáng vật học Grêgô (người Anh) tìm ra ở dạng đioxit, năm 1791. Là một trong những vật liệu quan trọng của kĩ thuật mới; hợp kim titan được dùng để chế tạo tên lửa, máy bay, tàu thuỷ, tàu ngầm, các thiết bị bền với hoá chất (nồi phản ứng, ống dẫn, quạt)... Ở Việt Nam, quặng titan có nhiều trong sa khoáng ven biển miền Trung (trữ lượng dự báo đạt 22 triệu tấn, trữ lượng đã thăm dò đánh giá là 16 triệu tấn) và ở Núi Chúa (Thái Nguyên).
Hình 2.9. Khai thác titan dưới mạch ngầm cát tạo thành những hố cát sâu hơn 10m tại Phá Tam Giang, Thừa Thiên-Huế
Hiện nay, một số địa phương ở ven biển miền Trung đã tiến hành khai thác titan để xuất khẩu. Một số nơi khai thác không theo quy hoạch đã dẫn tới lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất đất mất rừng.
- Đất hiếm
Đất hiếm là những nguyên tố quý, hiếm có trong lòng đất bao gồm 17 nguyên tố. 17 nguyên tố này đều là những nguyên tố dạng hiếm và có trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học như: Dysprosium (Dy), Erbium (Er), Europium (Eu), Gadolinium (Gd), Holmium (Ho), Lutetium (Lu), Terbium (Tb),...
Trên thế giới những nước có trữ lượng đất hiếm nhiều phải kể đến là Trung Quốc, Hoa Kì, Ôx-trây-li-a, Ấn Độ... Trung Quốc là nước khai thác đất hiếm nhiều nhất thế giới. Từ năm 2005 đến nay sản lượng khai thác hàng năm khoảng 120.000 tấn đất hiếm.
Đất hiếm được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar... Dù là tài nguyên quý, nhưng trong đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ. Vì thế, nếu khai thác không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường.
Dự báo, Việt Nam có khoảng trên 10 triệu tấn đất hiếm, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, dọc bờ biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Vũng Tàu.
Ven biển nước ta, trữ lượng đất hiếm nằm trong sa khoáng đạt 300.879 tấn. Những tỉnh ven biển có nhiều đất hiếm là Thanh Hóa (Quảng Xương), Hà Tĩnh (Cẩm Thượng), Thừa Thiên – Huế (Kẻ Sung), Quảng Nam (Hội An), Bình Định (Cát Khánh), Phú Yên (Tuy Phong, Xương Thịnh), Khánh Hòa (Hòn Gốm), Bình Thuận (Mũi Né), Ninh Thuận (Hàm Tân).
Trong những năm qua, Việt Nam đã sử dụng đất hiếm trong sản xuất, chế tạo nam châm vĩnh cửu, thuỷ tinh, bột màu, chế tạo hợp kim gang, đèn catot trong máy vô tuyến truyền hình, vật liệu siêu dẫn, sản xuất phân vi lượng, thuốc trừ sâu, thuộc da…
- Phốt-pho-rít
Phốt-pho-rít chủ yếu dùng để sản xuất phân bón phốt-phát. Trên thế giới, những mỏ phốt-pho-rít trữ lượng lớn có ở Ma-rốc, Hoa Kì, Ôx-trây-li-a, Pê-ru.
Ở Việt Nam, phốt-pho-rít phân bố chủ yếu ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Quặng có nguồn gốc thấm đọng từ phân chim biển.
Theo GS Lê Bá Thảo, chim ở quần đảo Hoàng Sa thì nhiều vô kể, phân chim lâu ngày biến thành phốt-phát, trữ lượng có thể đến 10 triệu tấn theo ước tính của đoàn khảo sát người Pháp trước đây. Có đảo như đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật, trữ lượng loại phân này đạt tới trên dưới 1 triệu tấn.
Trường Sa cũng có rất nhiều chim, làm cho ở đây cũng có rất nhiều phốt-phát. Có những đảo, phốt-phát lẫn trong cát và vỏ sò dày 1m như các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Thuyền Chài.... Trữ lượng dự báo khoảng 10 triệu tấn. Đấy là nguồn phân bón to lớn.( )
- Cát thủy tinh
Cát thủy tinh ở nước ta có hàm lượng SiO2, độ tinh khiết, độ trắng cao đủ điều kiện để sản xuất các mặt hàng thủy tinh dân dụng, thủy tinh cao cấp và vật liệu xây dựng.
Cát thủy tinh phân bố ở nhiều nơi như Vân Hải (Quảng Ninh), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Nam Ô (Đà Nẵng), Quảng Ngãi, Cam Ranh... với trữ lượng lớn, chất lượng tốt, có ý nghĩa kinh tế.
- Các loại khoáng sản khác: Ngoài những khoáng sản trên, ở vùng Biển Đông Việt Nam còn có đồng, chì, kẽm, mangan, vàng…, phân bố ở đáy biển hoặc nằm trong lòng đất dưới đáy biển.
4. Phát triển du lịch biển, đảo
4.1. Các bãi biển ven bờ
Nước ta có đường bờ biển dài, với nhiều bãi biển đẹp (nhiều bãi vẫn còn ở dạng hoang sơ, chưa bị ô nhiễm), độ dốc trung bình từ 10 – 30 và một hệ thống đảo ven bờ, trong đó một số đảo có giá trị về du lịch.
Dọc bờ biển nước ta có khoảng 125 bãi biển, bãi cát bằng phẳng, độ dốc trung bình đủ điều kiện để khai thác phục vụ hoạt động du lịch. Các bãi biển phân bố chạy suốt từ Bắc vào Nam. Từ Móng Cái đến Hà Tiên có nhiều bãi tắm đẹp như: Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Dốc Lết, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Phú Quốc,...
Theo đánh giá của các chuyên gia Tổ chức Du lịch Thế giới, dải bờ biển có những bãi tắm đẹp nhất nước ta kéo dài liên tục từ Đại Lãnh (dưới chân đèo Cả) và vịnh Vân Phong cho đến Phan Thiết. Đây là tiềm năng lớn để tạo nên các khu du lịch biển có thể cạnh tranh được với các khu du lịch biển của các nước trong khu vực (như Pattaya ở Thái Lan hay Bali ở Inđônêxia,...).
Trà Cổ
Trà Cổ – bãi biển được mệnh danh là trữ tình nhất Việt Nam – một vẻ đẹp còn nguyên sơ, bình dị với bãi cát trắng mịn màng trải dài phẳng lặng trong nền nước biển trong xanh. Đến đây, du khách sẽ tìm được những khoảnh khắc bình yên, thơ mộng và tha hồ thả hồn mình vào nắng, vào gió. Nằm ở cực Đông Bắc của đất nước, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, thuộc thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Trà Cổ là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo thành. Ven bờ biển là những cồn cát cao 3 - 4m, có làng mạc và dân cư đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề nông và chài lưới. Sát bờ biển là các dải rừng phi lao chắn gió, giữ cát và gần đó còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Cảnh đẹp ở đây không giống những gì bắt gặp ở Hạ Long, Đồ Sơn hay những bãi biển khác bởi bãi cát mịn màng bên làn nước biển trong xanh mang dáng dấp của biển miền Trung, nhưng lại có những dãy núi soi mình mang dáng dấp của biển miền Bắc. Sự hoà lẫn của các vùng biển ấy đã tạo cho Trà Cổ một vẻ đẹp sông núi hiền hoà, trữ tình và nên thơ. Nằm cách trung tâm Móng Cái 9km và chưa có tác động nhiều của bàn tay con người nên Trà Cổ là bãi biển còn mang nhiều nét đẹp tự nhiên, kéo dài 17km từ mũi Gót ở phía bắc đến mũi Ngọc ở phía nam, đủ sức chứa hàng vạn khách du lịch đến nghỉ mát, tắm biển.
Trà Cổ có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm khoảng 220 C với nồng nàn hương biển, không gian thoáng đãng và đậm nét hoang sơ. Đến đây, du khách được thưởng thức mùi vị của biển, được đắm mình trong những buổi chiều yên lặng, được thả hồn ngắm hoàng hôn xuống mà không sợ những ồn ào của cuộc sống, những bộn bề của đô thị náo nhiệt và sẽ tìm được cảm giác thoải mái ngay cả trong những ngày hè nắng nóng nhất.
Trà Cổ còn có nhiều công trình kiến trúc đẹp, cổ kính, trong đó nổi bật là nhà thờ Trà Cổ được xây dựng từ năm 1880 và đình Trà Cổ được xây từ năm 1462.
Ở Trà Cổ, nếu muốn thưởng thức hải sản tươi sống, du khách có thể mua được ở ngay bên bờ biển khi thuyền của ngư dân đi đánh bắt về. Đây cũng có thể coi là một điều hết sức thú vị mà không phải ở bãi biển nào cũng có được.
Vào đúng dịp hè, du khách còn có thể được tham gia hội làng Trà Cổ diễn ra vào đầu tháng 6 Âm lịch, đây cũng là một trong những lễ hội tưng bừng và lớn nhất của ngư dân miền biển ở khu vực miền Bắc.
Di sản thiên nhiên thế giới - vịnh Hạ Long
Nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, cách trung tâm Hà Nội 151km về phía đông bắc, vịnh Hạ Long là một phần của vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn, tiếp giáp với đảo Cát Bà ở phía tây nam, phần giáp với đất liền chạy dài theo khoảng 120km bờ biển.
Vịnh Hạ Long bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, tập trung ở hai khu vực chính phía đông nam (thuộc vịnh Bái Tử Long) và phía tây nam (thuộc vịnh Hạ Long). Khu vực tập trung dày đặc các hòn đảo đá vốn nổi tiếng về cảnh đẹp hùng vĩ của những hang động tự nhiên và nhân tạo đã hình thành nên khu trung tâm vịnh Hạ Long, nơi hai lần được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Hạ Long theo nghĩa đen có nghĩa là rồng bay xuống. Truyền thuyết kể lại rằng, ngay từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã bị giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Biết được điều này, Ngọc Hoàng đã sai rồng mẹ đem theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp dân đánh giặc. Khi thuyền giặc ồ ạt tiến vào cũng là lúc đàn rồng từ trời cao bay xuống, phun ra vô số châu ngọc và thoắt cái đã biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển. Những hòn đảo liên kết với nhau tạo nên bức tường thành vững chắc làm đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột, đâm vào các đảo đá và vỡ tan tành. Sau khi dẹp xong giặc ngoại xâm, rồng mẹ và rồng con không trở về trời nữa vì quá say mê vẻ đẹp của trời nước mênh mông nơi hạ giới và quyết định ở lại chính nơi mà trận chiến đã diễn ra. Vị trí mà rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long và nơi mà rồng con, cúi đầu bái biệt mẹ chính là Bái Tử Long. Nơi những chiếc đuôi quẫy mạnh nhô lên thành đảo Bạch Long Vĩ,...
Hình 2.11. Lược đồ du lịch
Vịnh Hạ Long có rất nhiều đảo với độ cao khác nhau, sắp xếp theo hình díc dắc, giống như hình ảnh một con rồng quẫy đuôi trong nước. Đây là một vịnh kín có tổng diện tích 1.500km2 với hàng nghìn nhóm đảo hình thành tự nhiên (chủ yếu là đá vôi). Nhiều đảo được đặt tên theo hình dáng của chúng như đảo Cóc, đảo Voi, hòn Gà Chọi, đảo Rùa hay đảo Mái – điều này đã khơi gợi trí tưởng tượng phong phú của du khách. Trên những hòn đảo cũng có nhiều bãi biển đẹp. Vịnh Hạ Long còn là một khu vực đá vôi với rất nhiều hang động đẹp như: hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, hang Trống, hang Trinh Nữ, hang Sửng Sốt,... Mỗi hang động đều gắn liền với một truyền thuyết riêng hết sức thú vị của nó.
Vịnh Hạ Long là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hoá, kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội hoạ, giữa tính hoành tráng, khoẻ khoắn với sự duyên dáng, thơ mộng. Giá trị thẩm mĩ có ý nghĩa toàn cầu của vịnh đã làm say đắm lòng du khách cả trong nước lẫn quốc tế. Đại thi hào Nguyễn Trãi đã ca ngợi "thiên khôi địa thiết phó kỳ quan" (kì quan đất dựng giữa trời cao), còn nhà thơ Nga Paven Antơcônxki sửng sốt trước vẻ đẹp của vịnh đã viết "Muốn có ý niệm về vẻ đẹp quyến rũ của vịnh Hạ Long, ta phải lấy bờ biển Cờrimê của chúng ta nhân với miền Nam Côcadơ, được bao nhiêu đem luỹ thừa ba tích số đó". Nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược thì khẳng định "So với cảnh diệu kỳ (Hạ Long) thơ có cũng như không",…
Giá trị của vịnh Hạ Long còn ở sự đa dạng sinh học với hai hệ sinh thái: hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cũng như hệ sinh thái biển và ven bờ.
Vịnh sở hữu nhiều hải sản có giá trị như cá tôm đủ loại. Trên các đảo còn có chim chóc và động vật, chủ yếu là các loại gà của địa phương, chim xanh, khỉ, gà tre, linh dương, kỳ đà, kỳ nhông. Ngọc trai và san hô cũng được tìm thấy ở một số đảo. Hạ Long là một điểm du lịch hấp dẫn vì cảnh quan nơi đây thật đẹp và hữu tình. Phong cảnh Hạ Long không bao giờ bị tẻ nhạt, mỗi mùa lại mang đến cho du khách một sắc thái riêng đầy ấn tượng,...
Bãi biển Cửa Lò
Cùng với Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu,... Cửa Lò đã được lựa chọn để xây dựng thành một bãi biển nghỉ mát lý tưởng từ năm 1907. Hơn một thế kỷ đã trôi qua… gần đây, khi du lịch phát triển thành một nhu cầu xã hội, thì Cửa Lò bừng tỉnh và trở thành một trong những địa chỉ du lịch biển hàng đầu ở Việt Nam.
Về Cửa Lò vào những ngày đẹp trời, được vùng vẫy thoả thích với sóng nước hay thả bộ dọc bãi cát mịn trải dài thoai thoải 10 km dưới bầu trời trong xanh, du khách dễ dàng tìm thấy cảm giác khoan khoái, dễ chịu ngay từ những phút giây đầu tiên.
Hình 2.12. Bãi biển Cửa Lò
Chỉ cách sân bay Vinh khoảng 10km, cách Hà Nội 300km, cách thủ đô Viênchăn (Lào) 468km theo đường bộ và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 300km đường biển, Cửa Lò được xem là giao điểm của các trục đường giao thông lớn. Đây là một trong những ưu thế để giúp Cửa Lò hình thành các tour du lịch nối với các khu, điểm du lịch của nước ta với các nước láng giềng.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và nguồn hải sản phong phú, Cửa Lò còn là điểm hẹn lý tưởng của du khách trong những dịp lễ hội. Đến Cửa Lò vào mùa xuân, du khách sẽ được thắp hương ở đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí – vị tướng lĩnh tài ba của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và đền thờ Thái úy Nguyên Sư Hồi – con trai trưởng Nguyễn Xí, người từng cai quản 12 cửa biển từ Sầm Sơn (Thanh Hoá) đến Cửa Tùng (Quảng Trị). Đặc biệt, du khách còn có dịp hoà mình trong lễ hội sông nước Cửa Lò diễn ra hết sức sôi động vào 30/4 –1/5 hằng năm.
Bãi biển Thiên Cầm
Bãi biển Thiên Cầm nằm ở phía Đông Nam thành phố Hà Tĩnh, cách thị trấn Cẩm Xuyên 13km, trải dài hơn 3km, từ núi Thiên Cầm ở phía bắc đến cửa Nhượng ở phía nam.
Bãi biển này nhìn chung còn là một vùng thiên nhiên hoang sơ. Nơi đây tiếng sóng dội vào hang núi khiến những chuông đá, khánh đá vọng vang trở thành khúc nhạc muôn điệu như những tiếng đàn trời có tự ngàn xưa. "Thiên Cầm" có nghĩa là "đàn Trời". Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa, vua Hùng thứ XIII khi qua đây nghe tiếng sóng biển, thông reo mà cứ ngỡ tiên nữ đánh đàn, lại thấy núi giống đàn tì bà liền hạ bút phê ba chữ "Thiên Cầm Sơn". Người ta đồn rằng vào lúc trời yên biển lặng, đứng trên đỉnh đồi có thể nghe thấy những âm thanh rất lạ như thứ nhạc của Trời. Và cái tên Thiên Cầm có từ đấy.
Hình 2.13. Bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh
Bãi biển Thiên Cầm như hình cánh cung bắt đầu từ núi Thiên Cầm đến núi Đầu Voi cùng với Cùm Nậy (núi lớn) và Cùm Con (núi bé) tạo nên những phím đàn trời án ngự dòng suối Kỳ La, để dòng suối trong vắt này uốn lượn rồi đổ ra biển.
Bãi biển dài và thoải, cát trắng và mịn, quanh năm nước biển trong xanh. Những rặng phi lao chạy dọc theo bờ biển xanh ngăn ngắt, vui đùa cùng sóng biển. Ở đây du khách không chỉ được tắm mình trong không gian trời đất, biển cả mà còn được thưởng thức những đặc sản của biển như tôm, cua, ốc, mực,... Đến Thiên Cầm, du khách đừng quên ghé thăm làng cá Nhượng Bạn đã hơn 500 năm tuổi với những đặc sản nổi tiếng. Khu vực này có chùa Yên Lạc (được xây dựng khoảng thế kỷ XV – XVI), còn lưu giữ được khá nhiều tượng Phật quý và bức tranh cổ "Thập điện Diêm vương” có niên đại hàng mấy trăm năm,...
Lăng Cô - một trong ba mươi vịnh biển đẹp nhất trên thế giới
Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam với bãi cát trắng dài tới hơn 10km, nằm cạnh Quốc lộ 1A; có làn nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp, bên cạnh những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên các dãy núi nhấp nhô cùng với đầm Lập An rộng lớn đầy huyền bí. Chính vì thế mà Lăng Cô là vịnh thứ 3 của Việt Nam, sau vịnh Hạ Long và Nha Trang, có tên trong danh sách 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới được vinh danh (năm 2009).
Với cảnh quan của vịnh vừa có núi, rừng, biển, Lăng Cô là địa điểm lý tưởng để phát triển nhiều loại hình du lịch như lặn biển, lướt sóng, leo núi, tắm biển…
Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân với Hải Vân Quan, một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao.
Trong khu vực này còn có hòn Sơn Trà – nơi vẫn bảo tồn được nhiều loại động, thực vật hoang dã. Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã hùng vĩ. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động – thực vật,...
Lăng Cô cũng là một phần trong chuỗi con đường di sản miền Trung từ động Phong Nha, cố đô Huế đến phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn và nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây đang từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng.
Bán đảo Sơn Trà
Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía đông bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693m so với mực nước biển giống như hình một cây nấm mà đầu nấm là núi Sơn Trà còn thân là những bãi cát vàng trải dài đẹp đẽ.
Bán đảo có diện tích chừng 60km2, nơi rộng nhất theo chiều đông - tây dài khoảng 13km, chiều bắc - nam 5km. Cùng với cầu quay sông Hàn ở giữa, cầu Nguyễn Văn Trỗi ở phía nam và gần đây là sự xuất hiện của cầu Thuận Phước ở phía bắc, con đường đến với bán đảo Sơn Trà ngày càng trở nên thuận lợi cho du khách, những người đến để tận hưởng không khí của núi rừng hoà lẫn trong biển cả để ngắm một Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp và ấn tượng đến bất ngờ.
Hình 2.14. Bãi biển Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng
Nắng dường như không còn gắt như hôm qua, gió cũng mơn man hơn vì chứa đầy hơi nước, không gian trở nên trong trẻo, tươi mát, cảnh vật mở ra mênh mang trước mắt. Và đây rồi thành phố trong núi, núi trong biển, Đà Nẵng hiện ra rất đỗi thân quen như từ thuở nào. Đường ven biển Thanh Bình lộng gió, trời Đà Nẵng xanh như không thể xanh hơn, nắng vàng ươm như mật ngọt khiến bao mỏi mệt tan biến. Sơn Trà là tên của bán đảo nổi tiếng ở thành phố Đà Nẵng, cùng với Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam khép lại thành hình cánh cung ôm lấy vịnh Đà Nẵng trong xanh như ngọc, có cảng nước sâu Tiên Sa nằm ngay dưới chân bờ tây của bán đảo. Hướng ra Biển Đông là mũi Đà Nẵng, vịnh Bãi Bắc và vịnh Bãi Nam hai bên, doi đất nối đất liền vào đảo nằm kẹp giữa một bên là sông Hàn, bên còn lại chính là biển. Con đường mòn chạy vòng quanh bán đảo Sơn Trà có lúc bám men theo bờ biển, lúc xuyên qua những tán lá rừng rậm rạp, lúc lại vắt vẻo băng mình qua đỉnh núi, hay hờ hững treo vào vách đá như một dải lụa mềm. Con đường đã có từ rất lâu, chất lượng cũng không còn tốt, đá sạt từ trên núi xuống nằm ngổn ngang, đôi chỗ cây rừng dại bò lan che khuất cả bề mặt.
Dừng chân ở một vọng cảnh đài xinh đẹp nằm cheo leo trên vách đá, phía trên là những quả bóng khổng lồ màu trắng, cách sân bay quân sự cũ của Pháp không đầy 2,5km, xa xa là dãy Bà Nà trập trùng ẩn hiện trong mây.
Cây cầu treo dây văng Thuận Phước dài hơn 5km nối bán đảo với quận Hải Châu trở nên nhỏ xíu như trong chuyện cổ tích, sự phồn thịnh của thành phố hiện lên dưới những mái nhà cao tầng lô nhô, dòng sông Hàn lặng lẽ chảy chia thành phố làm hai nửa, hai phần Đông - Tây mới ngày nào là hai nửa cách xa, giờ đây những cây cầu đã nối chúng hoà vào làm một. Vòng quanh chân bán đảo Sơn Trà là những bãi tắm rất đẹp và hoang sơ, gần như chưa hề được khai thác du lịch. Một số bãi thậm chí chỉ có thể tiếp cận bằng đường biển do chưa có đường từ trên núi xuống.
Trên đỉnh của bán đảo Sơn Trà cao gần 700m so với mặt nước biển là đỉnh Bàn Cờ. Gọi là đỉnh Bàn Cờ vì nơi đây có một phiến đá phẳng lì khá rộng lớn trông giống như chiếc bàn cờ. Từ đỉnh Bàn Cờ nhìn xuôi về phương Nam càng thấy thành phố Đà Nẵng núi – biển – sông – phố kề sát bên nhau tạo nên nét rất đặc trưng của Đà Nẵng.
Đường Điện Ngọc – Sơn Trà chạy men theo bờ biển nối Đà Nẵng tới thẳng Hội An, thậm chí nhìn thấy cả Cửa Đại nhô ra như một doi cát nhỏ trắng tinh, xinh đẹp. Cù lao Chàm gần tới mức có cảm tưởng như chỉ cần vươn tay ra với một chút may mắn là có thể chạm tay vào.
Từ bán đảo Sơn Trà ra Cù lao Chàm gần hơn rất nhiều nếu đi từ Hội An, và khi đứng trên đỉnh Bàn Cờ nhìn về hướng Cù lao, du khách sẽ thấy điều gì đó khẽ lan ra trong cơ thể, phải chăng đó chính là tình cảm dành cho đất nước quê hương. Những đoá hoa rừng xinh đẹp ẩn nấp đâu đây với những buổi chiều hái sim tím hết đầu ngón tay, hay tiếng chim chóc ca vang ríu rít tưng bừng như buổi hoà âm tuyệt hảo,…
Non Nước – Ngũ Hành Sơn
Bãi biển Non Nước nằm kề sát danh thắng Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam. Đây là gạch nối du lịch giữa Ngũ Hành Sơn và 3 di sản văn hoá thế giới: phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và cố đô Huế.
Bãi biển Non Nước trải dài 5km như một vòng cung, cát trắng mịn, độ dốc thoai thoải, nước trong xanh, đầy nắng và lộng gió. Môi trường nơi đây thật trong lành, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, là điều kiện thuận lợi để du khách đến nghỉ ngơi, du lịch.
Biển Non Nước thuộc biển Đà Nẵng đã được Forbes, tạp chí hàng đầu của Mỹ bình chọn là một trong những bãi biển đẹp và hấp dẫn nhất hành tinh năm 2005. Nơi đây hiện đang được Sandy Beach Resort đầu tư xây dựng.
Hình 2.15. Ngũ Hành Sơn
Từ biển Non Nước, chỉ cần ít phút đi bộ, du khách có thể đến thăm và chiêm ngưỡng danh thắng Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Non Nước) đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1980.
Ngũ Hành Sơn với quần thể 5 ngọn núi đá hùng vĩ được đặt tên: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ (theo thuyết Ngũ hành). Trong lòng núi có nhiều chùa chiền cổ, hang động thâm nghiêm, huyền bí.
Ngũ Hành Sơn có địa thế đẹp, cảnh quan sơn thuỷ hữu tình. Nơi đây còn có sức hút rất lớn đối với khách hành hương tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt Lễ hội "Quán Thế Âm" tổ chức vào ngày 19 tháng hai Âm lịch hằng năm thu hút đông đảo thiện nam tín nữ và du khách gần xa về trẩy hội, tạo nên cảnh sinh hoạt đậm đà màu sắc cổ truyền quê hương. Người ta thường gọi là núi Non Nước, nhưng còn nhiều tên khác trước đó như Ngũ Uẩn Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, Cẩm Thạch, Tam Thai. Đầu thế kỷ XIX, vua Minh Mạng đặt tên là Ngũ Hành Sơn và tên đó vẫn được dùng cho đến ngày nay.
Dưới chân núi Ngũ Hành Sơn là nơi tập trung các nghệ nhân với nghề chạm khắc đá tinh xảo nổi tiếng từ lâu đời. Nhiều sản phẩm với kích cỡ khác nhau được nghệ nhân thổi hồn vào sống động góp phần làm tăng thêm sức thu hút khách du lịch đến chốn tiên cảnh này.
Vân Phong – Đại Lãnh
Vân Phong – Đại Lãnh, người Pháp gọi là Port Dayort (tức Bến Gối), thuộc địa phận hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà, cách trung tâm TP. Nha Trang 50km. Vân Phong có địa hình rất phong phú với hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu kín gió, bờ và bãi biển, cồn cát đẹp, hấp dẫn.
Vân Phong – Đại Lãnh là một trong những khu du lịch sinh thái biển đẹp nhất nước ta. Đặc biệt nơi đây có hệ sinh thái tự nhiên hoang dã thuộc vào loại hiếm có ở khu vực Đông Nam Á. Bãi biển rộng, đẹp, cát trắng mịn, nước biển xanh trong vắt, ven bờ là rừng dương xanh. Phong cảnh Đại Lãnh từ xa xưa đã được liệt vào danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.
Hình 2.16. Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa
Ở vịnh Vân Phong nhiệt độ ấm áp quanh năm, cảnh quan đặc sắc và môi trường tự nhiên hầu như còn giữ được nhiều vẻ nguyên vẹn thực sự, là một nơi lý tưởng để xây dựng một khu du lịch biển hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Con đường chạy từ đèo Cổ Mã đến Đầm Môn dài 18km được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho du khách đến Vân Phong tắm biển và tham quan những làng chài như Đầm Môn, Ninh Đảo, Khải Lương, Vĩnh Yên và Điệp Sơn. Trong số đó lý tưởng nhất là Đầm Môn với hơn 30 bãi tắm, hầu hết vẫn còn hoang sơ như Sơn Đừng, bãi Tây, bãi Búa, bãi Nhàu, bãi Lách,... Với độ sâu trung bình từ 20 – 30m, nước biển trong xanh, đáy vịnh có nhiều mạch đá ngầm và san hô rất thuận lợi cho lặn biển. Sau khi chiêm ngưỡng Hòn Ông, du khách dừng tại bãi biển Sơn Đừng để tham quan những đụn Vú Biển. Buổi chiều khách sẽ chinh phục những đụn cát mênh mông ở Đầm Môn. Từ trên đỉnh cồn cát, khách ngắm nhìn toàn bộ cảnh Đầm Môn – Vân Phong và có thể chơi trượt cát từ trên đỉnh xuống. Khách cũng có thể thả mình trong làn nước trong xanh và vui chơi trên bãi biển Đại Lãnh. Buổi trưa khách sẽ khởi hành đến Đầm Môn tham quan vịnh Vân Phong. Nếu lưu lại vài ngày khách còn nhiều điểm để tham quan như Hòn Lớn, Hòn Đỏ, Gành Đá; thăm các làng chài, chòi nuôi tôm hùm, bãi nuôi ngọc trai; câu mực ban đêm bằng thuyền thúng với dân địa phương hoặc lên rừng tắm suối,... Điều thú vị ở làng chài Đầm Môn là du khách được thưởng thức các món ăn đặc sản biển chế biến đơn giản bên ly rượu gạo.
Đến Vân Phong du khách không thể không đến bãi Xuân Đừng. Xuân Đừng độc đáo không chỉ vì làng trên bãi chỉ có 11 hộ dân sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, mà còn vì sát với làn nước biển mặn là một nguồn nước ngọt ngầm trong bờ cát. Ngồi sát mép nước biển, đào một hố nhỏ, nước ngọt sẽ rỉ ra và vài phút sau lắng trong lại. Mỗi lần thuyền đi ngang bãi, ngư dân đều tận dụng hết xô, thùng ghé lấy nước ngọt. Cư dân của làng cũng sinh hoạt, nấu nướng bằng chính nguồn nước ngọt trời cho ấy.
Thành phố Nha Trang
Nha Trang là thành phố biển với nhiều khu du lịch biển nổi tiếng của tỉnh Khánh Hoà. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên Nha Trang được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh theo tiếng Chăm vốn có trước đây là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau", con sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, đổ ra biển đúng chỗ có nhiều lau sậy). Từ tên sông sau chỉ rộng ra là cả vùng đất từ năm 1653. Quanh năm bờ biển lúc nào cũng tràn ngập ánh nắng. Nhiệt độ trung bình khoảng 23 – 25oC, tháng nóng nhất trên 28oC, nhưng nhờ có gió Nam nên trời vẫn mát mẻ. Một vịnh biển với nhiều bãi tắm đẹp, khí hậu dễ chịu, đảo xanh đầy nắng gió, sinh vật biển đa dạng, rất phù hợp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, nghiên cứu,... Vịnh Nha Trang được câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng là một trong những vịnh đẹp nhất vào tháng 7 năm 2003.
Được che chắn bởi 19 đảo lớn nhỏ, vịnh Nha Trang rộng chừng 250km2, khá kín gió, không có sóng lớn. Cửa sông Cái đổ ra giữa hai bãi biển hình trăng khuyết, cát mịn, trải dài khoảng 6 – 7km. Dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, màu xanh của những triền núi nhấp nhô trên bờ như tôn thêm vẻ đẹp quyến rũ của những dải cát vàng dạt dào bọt sóng trắng. Trong vịnh có nhiều đảo là nơi cư trú của chim yến. Hằng năm, việc khai thác yến sào mang về khá nhiều ngoại tệ cho tỉnh Khánh Hoà. Nha Trang còn có một thế giới kỳ thú khác, đó là thế giới của 350 loài san hô, 190 loài cá, các loài nhuyễn thể, giáp xác, cỏ biển,...
Hiện nay, trong vịnh Nha Trang đã hình thành nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Khu nghỉ dưỡng Hòn Ngọc Việt (VinPearl Land) trên đảo Hòn Tre, khu nghỉ dưỡng Evason Hideaway at Ana Mandara ở Ninh Vân. Dọc trục đường Trần Phú có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế như Sunrise (5 sao), Ana Mandara (4 sao), Yasaka Sài Gòn Nha Trang (4 sao), Nha Trang Lodge (4 sao) và hàng loạt các khách sạn 3 sao như Hải Yến, Viễn Đông, Quê Hương, khách sạn Xanh Nha Trang,... Tất cả những cơ sở lưu trú này đều có chất lượng và được đánh giá cao trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Cuộc hành trình biển đảo Nha Trang có thể kéo dài với hòn Tằm – khu du lịch mang sắc thái riêng biệt với món súp yến chỉ nơi đây mới có. Hòn Mun, hòn Rơm là những đảo nhỏ có rạn san hô tuyệt vời, hầu như còn nguyên vẹn như tự thuở được sinh ra hàng bao nhiêu năm trước. San hô càng phong phú về chủng loại, màu sắc, thì các loài cá tập trung càng nhiều và đẹp. Với một bình ôxi, một bộ đồ lặn là du khách đã có thể nhìn cận cảnh những cành san hô, những đàn cá đầy màu sắc trong lòng đại dương bao la. Rời hòn Mun, thuyền nhẹ nhàng đưa du khách tìm hướng đến làng chài. Ở đây, người ta nuôi cá, mực, tôm hùm trong những chiếc lồng đặt dưới biển, du khách thích dùng loại nào thì chỉ loại đó. Thức ăn tươi sống, vị ngon ngọt của biển cả chắc chắn sẽ làm hài lòng ngay cả những du khách khó tính nhất.
Phía Bắc Nha Trang là Hòn Lao, Hòn Thị, Hòn Hèo - những khu du lịch sinh thái đang vươn mình trỗi dậy. Hòn Lao đã nổi tiếng từ lâu với những đàn khỉ sống tự nhiên, thân thiện với con người; giờ đây còn nổi tiếng hơn với Mê Cung, động Hoa Lan, những bãi biển thanh bình. Cũng ở phía bắc Nha Trang, khu nghỉ mát Evason Hideaway at Ana Mandara ở Ninh Vân tuy mới được đầu tư, nhưng đã đạt hiệu quả rất đáng khích lệ. Hầu hết du khách đến nghỉ là khách có thu nhập cao, phải đăng ký phòng trước cả tháng mới mong có được một khoảng thời gian hấp dẫn tại thiên đường này.
Cam Ranh
Không chỉ có bờ biển trải dài hơn 200km và hàng trăm hòn đảo, Khánh Hoà còn là quê hương của 4 vịnh lớn nổi tiếng. Đó là vịnh Vân Phong, vịnh Nha Phú, vịnh Nha Trang và đặc biệt là vịnh Cam Ranh với diện tích gần 200km2 được đánh giá là vịnh có 1 trong 3 hải cảng thiên nhiên tốt nhất thế giới (sau San Francisco của Mỹ và Rio de Janero của Braxin).
Từ thành phố biển Nha Trang, theo quốc lộ 1A đi về phía nam chừng
40km, du khách sẽ đến Cam Ranh với hai phần: phần đất liền và phần bán đảo. Bán đảo Cam Ranh bao bọc lấy vịnh chạy dài 30km bao gồm các vùng Thuỷ Triều, Mỹ Ca, Vũng Nồm và Bình Ba. Đến đây du khách sẽ thấy cát trắng nhô cao thành đồi, thành núi chạy dài tít tắp rồi mất hút ở cuối chân trời.
Hình 2.18. Bãi Dài - Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
Cam Ranh là một trong những quân cảng tốt nhất ở nước ta. Bức thành cát Thuỷ Triều là nguồn tài nguyên vô tận mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất khô cằn Cam Ranh. Cát ở đây thuộc loại tốt vào bậc nhất thế giới, chiếm 98% thuỷ tinh, với trữ lượng ước tính không dưới 500 triệu tấn, là nguyên liệu quý giá cung cấp cho các nhà máy hoá chất cao cấp và công nghiệp thuỷ tinh – pha lê. Bên trong bức thành cát Thuỷ Triều là đầm nước nông có chiều sâu trung bình từ 1 – 2m, rộng từ 500 – 3.000m và dài đến 15km. Đầm Thuỷ Triều thông với vịnh Cam Ranh ở phía Nam, có chiều sâu từ 10 – 15m, rộng từ 7 – 10km và dài đến 13km. Riêng ở cửa vịnh, mực nước lên đến trên 200m. Phía ngoài vịnh được che chở bởi hai dãy núi chạy từ phía Bắc xuống và phía Nam lên, cách nhau bởi một cửa ra vào rộng chừng 5km. Những dãy núi trên với ngọn cao nhất 463m và ngọn thấp nhất 140m nằm theo thế liên sơn tạo thành một bức trường thành thiên nhiên hoành tráng. Từ năm 2004, một phần sân bay Cam Ranh trở thành sân bay dân dụng thì con đường đến với Cam Ranh - Khánh Hoà càng gần hơn đối với du khách.
Mũi Né
Mũi Né cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22km về hướng Đông Bắc, cách TP. Hồ Chí Minh 200km. Mũi Né được coi như nàng công chúa ngủ trong rừng đã bừng tỉnh dậy. Địa danh Mũi Né đồng nghĩa với hình ảnh những cồn cát có một không hai ở Việt Nam.
Với bờ biển cát trắng trải dài hàng chục cây số, nhiệt độ trung bình 27°C, tổng số giờ nắng khoảng 2.500 giờ/năm, khu vực Mũi Né là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng.
Mũi Né là tên một làng chài tồn tại từ xa xưa. Tên gọi này bắt nguồn từ nơi đây là một mũi biển, vào mùa biển động, các tàu thuyền đánh cá thường ghé vào tránh bão. Khi biển động ở bờ đông, các thuyền sẽ tránh bên bờ tây và ngược lại. Dọc theo quốc lộ 706, từ trung tâm TP. Phan Thiết đến Mũi Né là một dãy đồi đất thoai thoải và bãi cát ven biển rộng, thoáng mát với những rặng dừa tuyệt đẹp. Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão, là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách. Mũi Né có nhiều bãi biển hoang sơ, cảnh quan hùng vĩ, môi trường thiên nhiên trong lành, như bãi Ông Ðịa, bãi Trước và bãi Sau. Chính vì thế, trong những năm vừa qua, nơi đây đã thu hút được nhiều dự án đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt ở đây đã đầu tư xây dựng hàng trăm các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển - resort. Chính vì thế, Mũi Né được gọi là “thiên đường resort” ở Việt Nam. Nàng công chúa đã và đang thức dậy.
Hình 2.19. Mũi Né - Phan Thiết tỉnh Bình Thuận
Mũi Né là một điểm đến lý tưởng dành cho các du khách trong mọi mùa. Bởi ở nơi đây, bầu trời gần như nắng quanh năm, cái nắng tươi rói, rực rỡ nhiều khi là khắc nghiệt đối với cuộc sống bình thường nhưng lại là món quà quý giá dành cho những chuyến du lịch. Cũng không phải ngẫu nhiên khi chỉ cách thành phố Phan Thiết khoảng hơn 10km là cả một con đường dành riêng cho các khu resort bề thế. Vì rằng bãi biển nơi đây quá đẹp, quá thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng. Khi đến đây, bạn sẽ được nghỉ ngơi trong những dãy bungalow xinh xắn hoặc những gian village sang trọng, tiện nghi để tận hưởng những không gian tuyệt đẹp cùng sự phục vụ rất nhiệt tình và chu đáo.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các khu resort cũng là sự lựa chọn hàng đầu của các du khách khi đi du lịch. Tuy rất đẹp và được phục vụ tốt, song nếu bạn là người ưa hoạt động, thích khám phá và yêu nét sinh động của cuộc sống nơi đây, tốt nhất bạn nên đi xa hơn những khu resort cao cấp kia khoảng gần 10km để đến với những khu nhà nghỉ sinh thái, bình dân. Đến đây, bạn sẽ được thử cảm giác ngủ lều và vui chơi hết mình cùng những đêm lửa trại ngay bên bờ biển với giá cả đặc biệt ưu đãi. Nhưng bạn đừng nên vì quá vui với đêm trước mà bỏ lỡ buổi bình minh vào sáng hôm sau nhé. Bởi trong ánh nắng sớm, bạn sẽ thấy nơi đây thực sự là chốn thiên đường ngay giữa trần gian.
Khi dậy sớm, bạn sẽ được chứng kiến cảnh những chiếc thuyền thúng mỏng manh cập bờ đem theo những tấm lưới nặng trĩu cua, ghẹ cùng những loài hải sản khác. Chẳng cần mặc cả, bạn sẽ chọn mua được những cân hải sản tươi ngon với giá rất rẻ từ những ngư dân nơi đây (nét đặc biệt là ở chỗ, vị thơm ngọt của hải sản Mũi Né rất khác biệt bởi chúng được đánh bắt trực tiếp từ đáy biển tự nhiên chứ không phải thu về từ những trại nuôi nhân tạo). Sau đó, bạn có thể nhờ họ luộc, nướng hoặc hấp cho mình để có thể ngồi nhâm nhi hương vị của biển ngay trên những bãi cát tuyệt đẹp ở nơi đây. Cảm giác vừa được thưởng thức các loại hải sản tươi ngon, vừa ngắm bầu trời ngày một sáng tỏ, vừa quan sát cảnh sinh hoạt, buôn bán của người dân để rồi ngay sau đó lại được hoà mình vào làn nước biển trong vắt chắc chắn sẽ để lại một dấu ấn khó phai trong tâm trí bạn.
Nhưng nếu đến với Mũi Né mà bỏ qua những khu đồi cát rộng mênh mông cùng những cảnh quan thay đổi theo từng ngày thì cũng có nghĩa là bạn chưa đến Mũi Né. Một bên là bãi biển xanh mướt, luôn tung bọt trắng xoá, một bên là những đồi cát vàng rực, ngời lên một sự hoang vu đến choáng ngợp,... tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp và thực sự rất ấn tượng. Lạ lùng là ở chỗ, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp lại một khung cảnh cũ khi đến với những đồi cát ở Mũi Né. Hàng ngày, theo những cơn gió, những đồi cát cũng dịch chuyển, nhô lên rồi lại tụt xuống, thay đổi liên tục nên du khách sẽ chẳng bao giờ thấy có cảm giác nhàm chán. Hơn nữa, nơi đây đâu chỉ tiếp đón bạn bằng cảnh quan. Với trò chơi trượt cát, chắc chắn bạn sẽ thấy là những đồi cát Mũi Né thật là thú vị và khó quên,...
Thành phố Vũng Tàu
Vũng Tàu nằm trên bán đảo cùng tên, nhô hẳn ra khỏi đất liền như một dải đất, có chiều dài khoảng 14km và chiều rộng khoảng 6km, đã từng là tỉnh lỵ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ nơi đây, người ta có thể nhìn ra Biển Đông cả khi Mặt Trời mọc lẫn lúc hoàng hôn.
Là một thành phố ven biển, có bờ biển trải dài 20km, Vũng Tàu trở thành nơi du lịch nổi tiếng từ lâu của du khách trong và ngoài nước. Đây còn là vùng đất có truyền thống văn hoá – lịch sử lâu đời với những di tích mang đậm dấu ấn của những thời kỳ lịch sử. Hiện nay, cả tỉnh có 29 khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia.
Hình 2.20. Bãi biển Long Hải, Vũng Tàu
Vũng Tàu nổi tiếng với những bãi biển dài và đẹp, chạy uốn lượn quanh thành phố. Bãi Trước ở phía Tây - phía Mặt Trời lặn, bãi Sau ở phía Đông - phía Mặt Trời mọc của trung tâm thành phố Vũng Tàu, rồi còn bãi Dứa, bãi Dâu thoả sức cho du khách vẫy vùng với sóng nước. Bãi Trước (còn gọi là bãi Tầm Dương, vịnh Hàng Dừa) được xem là mặt tiền của thành phố Vũng Tàu; con đường Trần Phú, Quang Trung chạy dọc theo bãi Trước cũng tập trung nhiều khách sạn, công viên,... càng tôn thêm vẻ đẹp của bãi biển này. Bãi Sau còn có tên là bãi Thuỳ Vân, là bãi biển dài nhất của Vũng Tàu (8km), luôn sôi động, nhộn nhịp vì hầu hết khách du lịch đều đổ về đây. Bãi Sau có khu vui chơi giải trí Thiên Đường (Paradis), các khu du lịch tắm biển và hệ thống khách sạn hiện đại đáp ứng nhu cầu tắm biển, nghỉ dưỡng của du khách. Bãi Dứa nằm phía tây của núi Nhỏ. Vùng này trước đây cây dứa - một loại thảo mộc lá dài có gai, mọc khá nhiều bên sườn núi nên bãi biển mang tên loài cây ấy. Ở bãi Dứa, một trong những bãi biển đẹp và thu hút nhiều du khách đến vui đùa, biển len sâu vào bờ tạo nên những ghềnh đá vươn dài ra biển, đồng thời tạo thành những vũng tắm kín đáo, thơ mộng. Bãi Dâu nằm phía Tây núi Lớn và phía bắc trung tâm thành phố Vũng Tàu. Từ bãi Trước, theo đường Trần Phú, đi quá di tích Bạch Dinh chừng 3km là tới bãi Dâu. Trước khi có tên gọi bãi Dâu, bãi này được gọi là Vũng Mây do nơi đây có nhiều mây rừng. Cây mây và cây dâu hiện không còn nhưng tên gọi của nó lại gắn liền với một bãi biển kín gió, nhiều ghềnh đá kỳ thú, thơ mộng.
Vũng Tàu không chỉ có biển, mà núi đồi cũng là thắng cảnh không thể thiếu của thành phố biển này, như núi Lớn, núi Nhỏ, núi Hòn Sụp, núi Vũng Mây,... Đến núi Lớn, du khách không thể bỏ qua Thích Ca Phật Đài, một di tích lịch sử văn hoá và là thắng cảnh rất nổi tiếng của thành phố Vũng Tàu. Vào khoảng năm 1957, nơi đây còn hoang sơ với ngôi chùa Thiền Lâm khiêm tốn. Năm 1962, Giáo hội Phật giáo lập đồ án xây dựng Thiền Lâm tự thành Thích Ca Phật Đài. Sau hơn một năm xây dựng, tháng 3/1963, Thích Ca Phật Đài được khánh thành. Điểm đặc biệt của Thích Ca Phật Đài là một quần thể kiến trúc điêu khắc tạo dựng theo sự tích cuộc đời Đức Phật Thích Ca gắn liền hài hoà với cảnh quan núi Lớn. Toàn bộ khuôn viên Thích Ca Phật Đài như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp: cấp 1 là tam quan và khu vườn hoa; cấp 2 là khu nhà mát và nhà trưng bày truyền thống; cấp 3 là Thiền Lâm tự và khu Phật tích, bao gồm các công trình kiến trúc - điêu khắc tái hiện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Trong khuôn viên khu Phật tích còn có cây bồ đề xanh tốt được chiết từ cây bồ đề bên Ấn Độ trước đây Đức Phật ngồi thiền. Du lịch Vũng Tàu, du khách còn có thể tham quan miếu Ông Nam Hải, di tích Niết Bàn Tịnh Xá, Bạch Dinh,...
4.2. Các đảo có giá trị du lịch
Vùng biển nước ta còn có khoảng 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó đại bộ phận là các đảo gần bờ. Hai quần đảo xa bờ nhất của nước ta là Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực giữa và Đông Nam Biển Đông. Các đảo và quần đảo có nhiều giá trị cho hoạt động du lịch. Các đảo ở nước ta phân bố từ Bắc vào Nam, nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng biển Đông Bắc thuộc hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, gồm hơn 2000 hòn đảo, chiếm 60% tổng số đảo của cả nước.
Trên các đảo có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp còn nguyên vẻ hoang sơ và những điều kiện tự nhiên rất tiêu biểu để phát triển các loại hình du lịch biển. Tiêu biểu nhất là các đảo Phú Quốc, Cát Bà, Cù lao Chàm, Côn Đảo,…
Cát Bà
Quần đảo Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải – Thành phố Hải Phòng, có tới 365 hòn đảo lớn nhỏ đội biển vươn lên như một quần thể kỳ vĩ, thơ mộng giữa trùng khơi bao la. Lớn nhất là đảo Cát Bà có diện tích khoảng 200km2, cấu tạo chủ yếu bằng những dãy núi đá vôi trùng điệp, có nhiều đỉnh cao hàng trăm mét so với mặt nước biển. Xung quanh đảo có nhiều vũng, vịnh và những bãi tắm với cát trắng phau trên làn nước trong xanh phẳng lặng.
Thị trấn Cát Bà cách cảng biển Hải Phòng khoảng 75km. Từ xa xưa, người dân trên đảo sống bằng nghề khai thác hải sản, lâm sản, đốt rừng làm rẫy,... Ngày nay, họ có thêm nghề dịch vụ du lịch, nuôi hải sản và trồng cây ăn quả, rau sạch tại các thung lũng trên đảo.
Vào thời Hùng Vương thứ 6, ở làng Nghĩa Lộ (nay là xã Nghĩa Lộ, huyện đảo Cát Hải) có chàng trai tuấn tú, sức khoẻ phi thường tên là Hùng Sơn, nghe tiếng mõ truyền đã đi theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Hùng Sơn được cử làm tướng tiên phong chỉ huy chặn giặc trên biển. Hùng Sơn dùng thuyền nhỏ đưa đàn ông ra đảo nhỏ ngoài khơi lập trận chờ giặc đến, còn phụ nữ ở lại đảo lớn phía sau, tăng gia sản xuất, chuyên lo hậu cần lương thảo. Sau khi đánh thắng giặc Ân, vua Hùng đã xuống chiếu đặt tên cho hòn đảo – nơi đặt đại bản doanh của Hùng Sơn là đảo Các Ông. Hòn đảo của những phụ nữ yêu nước ở lại tăng gia sản xuất, nuôi con, chờ chồng, động viên các ông đánh giặc được gọi là đảo Các Bà. Sau này người dân ta gọi chệch là đảo Cát Bà. Hiện nay, tại thị trấn Cát Bà còn ngôi miếu cổ bốn mùa hương khói tôn thờ Các Bà có công đánh giặc Ân thuở xưa.
Hình 2.21. Đoạn bờ biển Cát Bà
Tại chân núi Ngọc có những vụng lõm sâu vào chân đảo với những dải cát trắng phau, quanh năm nước trong xanh. Phía trước vụng là những hòn đảo vươn cao hàng chục mét đã ngăn sóng cả, tạo thành các vụng tựa như những hồ nước lớn. Chuyện kể rằng, từ thuở hồng hoang, các tiên nữ vận đồ trắng phau bay xuống đảo cùng nhau tắm biển, đùa giỡn. Nơi các nàng tiên tắm được gọi là bãi Cát Cò. Khi bay về trời có nàng tiên bỏ quên một chiếc guốc nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Ít lâu sau, từ đáy biển mọc lên một chiếc guốc khổng lồ bằng đá án ngữ trước cửa bãi tắm Cát Cò, gọi là hòn Guốc (hay hòn Gai). Nhờ vậy, giữa biển khơi mà bãi Cát Cò tĩnh lặng, xung quanh đảo lớn Cát Bà, ngoài hòn Guốc, còn có 333 hòn đảo với các tên gọi Gà Chọi, Hòn Tròn, Mâm Xôi, Hòn Nghiên, Tháp Bút, Vọng Phu, Lỡ Đầu, Ba Áng, Thanh Lăng, La Thu, Cống Bố, Cát Dứa,... Trên đảo Cát Bà có nhiều ngọn núi đá vôi cao hàng trăm mét như Cát Nương, Núi Ngọc, Khánh Vàng, Lô Mia, Lỗ Cánh, Tùng Phú,... Trong lòng núi đá trên đảo Cát Bà còn có nhiều hang sâu, động lớn. Các hang, động ở đây có muôn vàn thạch nhũ buông rủ với nhiều hình hài kỳ dị, lung linh hư ảo. Đó là các động Trung Trang, Hoa Cương, Thiên Long, Cao Vọng ; các hang Quân Y, Tiền Đức,...
Vùng đảo Cát Bà còn có VQG Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới với thảm thực vật nhiệt đới đá vôi rất điển hình, có nhiều loài sinh vật đặc hữu. Sự đa dạng của VQG Cát Bà cũng là một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi tới nơi đây.
Đảo xanh Cù lao Chàm
Cách bờ biển Cửa Đại (Hội An - Quảng Nam) 15km, xưa có tên là Chiêm Bất Lao. Sau khoảng 45 phút từ Hội An hoặc gần 2 giờ đồng hồ đi tàu thuỷ từ bờ sông Hàn (Đà Nẵng), Cù lao Chàm hiện ra với 8 hòn đảo màu xanh ngọc được đặt tên hết sức dân dã: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông với khoảng 3.000 người dân đang sinh sống.
Cù Lao Chàm được nhiều thương gia châu Á và phương Tây biết đến từ hơn 10 thế kỷ nay. Có giả thuyết cho rằng Cù lao Chàm là nơi giam giữ tù binh của Vương quốc Chămpa xưa. Song một số nhà nghiên cứu không đồng ý với giả thuyết này, trên cơ sở Cù lao Chàm là đất thiêng của người Chăm nên không thể là nơi giam giữ tù binh.
Cù lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rạn san hô ở khu vực biển Cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ.
Tại Cù lao Chàm có nhiều di tích khảo cổ liên quan đến quá trình cư trú của cư dân cổ cách đây 3.000 năm và còn là nơi giao lưu, buôn bán với các nước thuộc Trung Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ cách đây 1.000 năm. Cù lao Chàm còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá như chùa Hải Tạng, giếng làng, lăng Ông, miếu Bà, miếu tổ nghề yến cũng như một loạt thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú như hang Bà, hang tò vò, hòn bao gạo, suối tình, suối mơ...
Nhờ những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên đã ban tặng nên hệ động thực vật trên đảo khá phong phú, đa dạng. Rừng Cù lao Chàm có nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây, song, dâu, sim; các loại dược liệu quý hiếm như mã tiền, sơn máu, ổi tím, ngũ gia bì. Bao quanh các cụm đảo từ độ sâu 1 - 20m, nước xanh biếc, có nhiều loại hải sản như tôm hùm, ốc hương, hải sâm, ngọc trai, đồi mồi, cua đá... Đã từ lâu Cù lao Chàm được biết đến với cái tên “Vương quốc của chim yến”. Chim yến đến làm tổ và sinh sôi nảy nở trong nhiều hang đá cheo leo trên các vách núi. Nghề khai thác yến sào ở Cù lao Chàm cũng có từ lâu đời. Yến sào xưa là một trong 16 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hội An, giá trị của nó chỉ sau sừng tê giác. Đặc biệt, trên Cù lao Chàm có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, chứa đựng nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Côn Đảo
Là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo cách bờ biển Vũng Tàu 97 hải lý (180km) từ lâu được biết đến qua các chứng nhân lịch sử như là một “địa ngục trần gian”.
Lịch sử đã ghi dấu son 113 năm chiến đấu kiên cường của biết bao thế hệ chiến sĩ cánh mạng tại mảnh đất xa xôi này. Những cầu tàu, nhà tù năm xưa vẫn còn đó, nhưng Côn Đảo hôm nay đã khép lại quá khứ và đang vươn mình để trở thành một trong những địa điểm có tiềm năng hàng đầu về phát triển du lịch với quần thể di tích lịch sử cách mạng và nhiều danh thắng đẹp mà bất kỳ ai đặt chân lên đây cũng hết sức ngưỡng mộ.
Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, có diện tích khoảng 76km2, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Bờ biển dài 200km với nhiều bãi biển đẹp vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ như bãi An Hải, Đầm Trầu, Lò Vôi, Suối Ớt, Hòn Bà,… Vườn quốc gia Côn Đảo là một trong số rất ít những nơi còn lại ở Việt Nam có loài dugoong – bò biển sinh sống. Đặc biệt, quần thể rùa biển ở Côn Đảo rất nhiều, hằng năm vào mùa sinh sản, có hàng ngàn rùa biển lên các bãi cát để đẻ trứng,… Nhắc đến Côn Đảo cũng phải kể đến những truyền thuyết gắn với địa danh nơi đây như núi Chúa, thắng cảnh hòn Trứng, sự tích hòn Cau, di tích An Sơn miếu hay Võ Thị Sáu, Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914,… Với sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng và bề dày lịch sử hơn một thế kỷ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị; Côn Đảo thực sự là một "thiên đường nơi trần gian" dành cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng.
Đảo Phú Quốc
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta ở phía tây nam Tổ quốc với diện tích 593 km2 (tương đương với đảo quốc Singapo) với chiều dài 48km từ bắc tới nam và dân số khoảng 80.000 người, nằm cách vùng phát triển công nghiệp và du lịch Đông Nam Thái Lan 500km, cách Malaixia 700km, cách Singapo 1.000km và gần kề cửa ngõ tây nam của Campuchia. Từ Phú Quốc chỉ cần 2 giờ bay là có thể đến được thủ đô của các nước Đông Nam Á,...
Nằm trong vịnh Thái Lan, cách Hà Tiên 45km về phía tây, Phú Quốc sở hữu cả rừng, biển với những bãi biển đẹp, cát trắng phau mà tiêu biểu là bãi Khem. Xung quanh hòn đảo xinh đẹp này là quần thể 40 đảo lớn nhỏ vây quanh với 99 ngọn núi ẩn chứa nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các dạng địa hình đa dạng đã tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên, Dinh Cậu, mũi Tàu Tũ, mũi Ông Cọp,... Bờ biển dài 150km và vùng biển rộng 60.000km2 không chỉ là một ngư trường lắm cá nhiều tôm, mà còn có biết bao thắng cảnh tuyệt vời với những bãi Giếng, bãi Khem, bãi Dài, bãi Ông Lang, bãi Dinh Cậu,...
Hình 2.21. Dinh Cậu, Phú Quốc tỉnh Kiên Giang
Tuy không được hưởng phù sa màu mỡ như ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Phú Quốc lại nhận được nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Nơi đây là xứ sở của loại nước mắm ngon nổi tiếng nhất Việt Nam và cũng là nơi có thương hiệu về hồ tiêu, ngọc trai và hải sản.
Một sản phẩm thú vị nữa của hòn đảo này là có loài chó rất nổi tiếng gọi là chó Phú Quốc. Loài này nguyên sơ là loài chó hoang dã và được huấn luyện để trở thành chó săn, chó Phú Quốc rất khôn, có răng sắc nhọn đến lạ thường, chân cao, ức thon và có móng vuốt để chụp bắt con mồi.
Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đến Nam. Bãi biển Phú Quốc từng được bình chọn vào nhóm “bãi biển sạch và đẹp nhất thế giới” bởi ABC News vào cuối tháng 2 năm 2008. Đảo này còn có 99 ngọn núi và vườn quốc gia cùng tên với hệ động, thực vật phong phú. Phía Nam có 12 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo An Thới, còn ở phía Bắc có hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi, hòn Bần và hòn Thầy Bói,... Tất cả đã tạo cho Phú Quốc một thiên đường lý tưởng cho các hoạt động du thuyền, câu cá, lặn biển, khám phá đảo và dã ngoại,...
4.3. Rừng ngập mặn
Việt Nam có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ hai thế giới, sau rừng ngập mặn ở cửa sông Amazôn (Nam Mỹ). Ở nước ta, rừng ngập mặn tập trung chủ yếu ở Nam Bộ, với diện tích khoảng 300.000ha (riêng Cà Mau chiếm gần một nửa). Ở miền Bắc do có mùa đông lạnh, đồng thời các vùng cửa sông cũng hẹp hơn, nên diện tích rừng ngập mặn chỉ khoảng 80.000ha, cây cũng nhỏ hơn. Còn dọc miền Trung rất ít bãi lầy ven biển, các cồn cát chiếm diện tích đáng kể, nên suốt chiều dài trên 1000km chỉ có những đốm nhỏ, tổng diện tích khoảng 50.000ha.
Rừng ngập mặn có vai trò rất to lớn trong việc mở rộng diện tích đất ven biển, bảo vệ đê, hạn chế xói lở, chống gió bão, chống nạn cát bay. Trong trận sóng thần ở Nam Á (tháng 12 năm 2004) cho thấy, những nơi nào có rừng ngập mặn hay rừng ven biển tươi tốt thì những nơi đó tổn thất giảm bớt khá nhiều.
Về mặt kinh tế, rừng ngập mặn là nguồn cung cấp gỗ, chất đốt, các sản phẩm cho ngành công nghiệp, dược liệu. Ngoài ra, đây còn là địa bàn cư trú của nhiều loài côn trùng, chim, bò sát, thú có vú, tôm, cua, cá...
Rừng ngập mặn không chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu thực vật, động vật, sinh thái, môi trường mà còn là nơi hấp dẫn đối với khách du lịch...
Hình 2.23. Rừng ngập mặn Cần Giờ
Một số điểm du lịch gắn với rừng ngập mặn:
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cách thành phố Cà Mau 120km về phía Tây Nam. Vùng đất Mũi Cà Mau ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp nên thơ, bên trong nó còn chứa đựng sự đa dạng về cảnh quan, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học hiếm có, ở đây có nhiều vùng sinh quyển độc đáo. Sự độc đáo của Mũi Cà Mau là vùng sinh thái bãi bồi, rừng ngập mặn ven biển, vùng sinh sản và trú ngụ của các loài thủy sinh vịnh Thái Lan, điểm dừng chân và trú ngụ của nhiều loài chim di trú quí hiếm trên thế giới.
Ngày 26/5/2009 tại Hàn Quốc, UNESCO đã công nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ tám ở Việt Nam.
Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường và rất quan trọng trong phòng hộ bờ biển, chắn gió, chắn sóng chống xói lở, cố định đất trong quá trình hình thành đất liền tiến ra Biển Đông. Đây là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tạo nên một vùng sinh thái cửa sông, ven biển duy nhất ở Việt Nam với những nét đặc trưng của hệ động thực vật rừng ngập mặn.
Hình 2.24. Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau
Hệ thực vật ở đây có 22 loài ngập mặn đã được phát hiện, trong đó chiếm ưu thế thuộc về loài đước, mắm trắng, mắm, mắm ổi, trang với quần thể thực vật gồm rừng tái sinh tự nhiên hỗn giao giữa cây đước, cây vẹt và rừng mấm. Cây mấm là loài tiên phong lấn biển có hệ thống rễ đặc biệt giữ đất bãi bồi, chống xói lở và hình thành các dãy rừng phòng hộ ven biển. Ngoài cây đước, thảm thực vật ở rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau còn có vẹt, sú, bần, cóc, chà là, dương xỉ, nhiều loại dây leo…Theo các nhà khoa học, hệ thống rừng ngập mặn ở đây được cho là đa dạng thứ hai thế giới, chỉ kém rừng ngập mặn Amazôn ở Nam Mỹ.
Hệ động vật, với lớp thú có 13 loài thuộc 9 họ. Trong đó có một số loài nằm trong sách đỏ thế giới như: khỉ đuôi dài, voọc bạc (cà khu), nhọ nồi và nhiều loài nằm trong sách đỏ của Việt Nam; lớp chim có 74 loài thuộc 23 họ, trong đó có một số loài quí hiếm như cò trắng Trung Quốc, choắt mỏ cong hông nâu, rẽ mỏ rộng, bồ nông chân xám - còn gọi là chàng bè, cò lạo Ấn Độ (giang sen), diệc mốc và quắm đầu đen, quần xã chim trong sinh cảnh rừng ngập mặn đặc trưng với các loài phổ biến như chích bông nâu, vành khuyên họng vàng và rẻ quạt java; bò sát có 17 loài thuộc 9 họ, nhiều loài bò sát ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Có 5 loài lưỡng cư thuộc 3 họ; 14 loài tôm; 175 loài cá thuộc 116 giống và 77 họ; 133 loài động, thực vật phiêu sinh. Động vật ở đây không những phong phú về thành phần loài mà còn có số lượng cá thể từng loài lớn. Đến Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, quí khách có thể dễ dàng bắt gặp nhiều loại đặc sản của Cà Mau như: rắn, rùa, trăn, cua biển, ba khía, ốc len, dọp, sò huyết, nghêu, cá ngát, cá đuối, cá nâu, cá mú, cá thòi lòi...
Đặc biệt, diện tích đất liền của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau không ngừng được mở rộng một cách tự nhiên, hàng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng vài chục mét bằng nguồn phù sa do hệ thống sông, kênh, rạch bồi đắp dưới sự giúp sức của bộ rễ phù sinh của rừng mắm, đước ven biển. Với những đặc tính quí giá về sự đa dạng sinh học và điều kiện lập địa hiếm có nên Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xứng đáng được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới
Vườn quốc gia Xuân Thủy
Vườn quốc gia Xuân Thủy cách Hà Nội 150 km về phía Đông Nam, là khu bảo tồn dự trữ sinh quyển đất rừng ngập mặn. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.
VQG Xuân Thủy được nâng cấp từ Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy theo quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 2 tháng 1 năm 2003.
VQG Xuân Thủy nằm ở phía Đông Nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ngay tại cửa Ba Lạt của sông Hồng. Khu vực vùng lõi của vườn là diện tích đất ngập mặn trên ba cồn cát cửa sông là cồn Ngạn, cồn Lu và cồn Xanh thuộc xã Giao Thiện. Toàn bộ vùng đệm và vùng lõi của Vườn nằm trên địa phận các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100 ha, gồm: 3.100 ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000 ha đất rừng ngập mặn.
Hình 2.25. Chim di cư ở VQG Xuân Thủy
Hàng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông, trong đó có tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Tại Vườn ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, tiêu biểu như: Cò thìa, Rẽ mỏ thìa, Choắt chân vàng, Mòng bể đầu đen, Giang sen, và Choắt chân màng lớn..
Trên vùng đất ngập mặn này, dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật.
Về thực vật, Vườn hiện có 120 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao.
Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo hấp dẫn khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vào mùa đông- mùa chim di trú từ phương Bắc.
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ - điểm đến hấp dẫn
Cần Giờ cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 50 cây số, khi đặt chân đến đây, ngồi trên ghe lách qua mấy con kênh nhỏ là có thể quên hết phố phường ngột ngạt mờ mịt bụi đường, tận hưởng con gió rì rào trên từng ngọn đước, nghe sóng vỗ ì ầm men bờ biển dài mút tầm mắt.
Sau chiến thắng giải phóng miền Nam (tháng 4 năm 1975) được ít ngày, chúng tôi theo mấy anh lính đặc công rừng Sác về Cần Giờ. Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến vùng đất hoang vu, nhưng có sức hấp dẫn như một huyền thoại. Khi bước vào căn cứ rừng Sác, thoạt nhìn tôi có cảm giác như đang ở trong căn cứ Khu Năm - nơi tôi đã từng sống nhiều năm trong chiến tranh. Chỉ khác là Khu Năm nhiều núi cao, dốc dựng, còn Cần Giờ chỉ một loại cây đước được trồng thẳng tắp, chằng chịt rễ. Ở đây đi lại bằng những chiếc xuồng con. Càng vào sâu thấy xuất hiện những chiếc cầu gỗ dích dắc nối liền những con kênh nhỏ. Rừng còn nguyên vẹn như thể chiến tranh chưa kết thúc. Một vài túp lều nhỏ ẩn hiện trong lùm cây khuất. Nhiều thân cây còn nguyên dấu dây dù mắc võng. Đây đó mấy chiếc bòng, quai đeo đã sờn. Vài ba tấm khăn dù vắt chéo qua dây phơi, vài bộ quần áo nhàu nhĩ, vết bùn đã khô…
Những ai có mặt ngày đầu chiến tranh ở rừng Sác phải gan lì lắm. Nơi đây, “dưới sông sấu (cá sấu) đợi, trên bờ hùm chờ”. Đêm tối nghe ông Ba Mươi gầm rít đâu đó là tim gan rung lên bần bật. Rừng Sác là nơi một đi khó mong ngày trở lại. Bản anh hùng ca rừng Sác Cần Giờ gắn liền với tên tuổi tướng công Trương Công Định buổi đầu chống Pháp. Đáy sông Lòng Tàu vùi sâu lớp lớp tàu chiến giặc. Suốt hai mươi năm trường kỳ, rừng Sác là nơi tung hoành dọc ngang của lính đặc công.
Năm 2001 Cần Giờ được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Và nơi đây cũng nhanh chóng thu hút nhiều du khách trong nước cũng như nước ngoài bằng nhiều hình thái du lịch: Du lịch lịch sử chiến tranh, du lịch sinh thái - tìm hiểu một vùng động thực vật phong phú, đa dạng sinh học, du lịch biển - khám phá những kỳ bí thuỷ sinh vùng nước ngập mặn v.v…
Trở lại rừng Sác lần này, tôi bỗng choáng ngợp với sự đổi thay của Cần Giờ. Chiến khu xưa đã được khôi phục, gia cố, trở thành một bảo tàng sống với nhiều hiện vật thời chiến tranh, nhắc nhở lớp trẻ một thời của rừng Sác.
Qua phà Bình Khánh, một con đường mở rộng bốn năm làn xe chạy. Thấp thoáng những resort nho nhỏ, màu gỗ óng ả hài hoà với không gian xanh của cây lá, khiến Cần Giờ tàn lụi, lam lũ hồi nào bỗng nên thơ. Giờ đây Cần Giờ thực sự là khu du lịch hoàn hảo, đầy tiềm năng thu hút du khách.
Hình 2.26. Rừng ngập mặn Cần Giờ
Để có một Cần Giờ trở nên nổi tiếng và hấp dẫn cả nước như ngày nay, TP.HCM đã có nhiều dự án đầu tư dài hạn, nhanh chóng biến nơi thâm u, hoang sơ xưa thành lá phổi xanh của thành phố, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng và từng bước xây dựng Cần Giờ thành khu du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên rừng và biển. Bằng ô tô, tàu thuyền, bằng những chiếc ghe nhỏ và cả đôi chân hăm hở khám phá, bạn có thể luồn lách qua những khu rừng ngập mặn rộng trên 75 ngàn ha, xuyên qua những dải rừng đước, rừng tràm, rừng dừa nước.
Đêm đến, bạn có thể nghỉ trong những resort đủ tiện nghi, bốn hướng nhìn ra biển và cánh rừng đầy nước trước mặt. Bạn cũng có thể ngủ trong những chiếc lán đơn sơ, hay trong nhà dân, nếu bạn thích. Những ngọn lửa bập bùng đây đó trong khu rừng. Thân cây đước khô cũng như tươi, đều bén lửa, nổ tí tách, bùng lên những đốm sáng. Xung quanh bạn là những người dân bình dị trú ngụ dưới những tán lá dừa, lá đước, kiếm sống dưới sông, lạch. Họ bắt con tôm, con cá; cào những mẻ sò, ngao trên những dòng rạch nhỏ. Một rổ sò cho vào xoong là bạn có thể có được một tối vui vầy quanh bếp lửa. Đương nhiên, nếu thiếu đi vài xị đế, e cá trui, tôm nướng… khó dậy mùi lắm!
Đi sâu vào Vàm Sát, đêm đến bạn khó có thể ngủ yên vì đàn dơi dễ đến cả ngàn con chao chác từ chập tối. Nhưng nếu đêm trăng, hoặc buổi sáng dậy sớm, khi mặt trời chưa kịp nhô lên từ phía biển, ngước mắt lên chòm lá, bạn sẽ nhìn thấy hàng ngàn con dơi đu đưa trên những thân cành trông như những chiếc lá màu sẫm, sắp rụng, che kín cả vòm trời. Muốn đến Vương quốc thực sự của dơi, phải vào sâu tận Đầm Dơi, Sân Chim. Đầm Dơi ở Cần Giờ rộng cả trăm héc ta, nằm trong khu bảo tồn. Khu du lịch Vàm Sát cung cấp cho bạn xuồng, ca nô, và đặc biệt là có hướng dẫn viên đi cùng. Nếu không có người thành thạo, tận tình giúp đỡ, giới thiệu, bạn sẽ bị sức hấp dẫn sinh thái mà quên đường về. Hơn nữa, chẳng may gặp mấy chú cá sấu lạc bầy thì… rụng rơi tim luôn đó.
Trên lối đi vào khu du lịch Lâm Viên Cần Giờ, bạn sẽ thấy những chú khỉ tinh nghịch, nhảy nhót trên lối đi. Tuy có hàng mấy trăm con khỉ lớn bé thuộc nhiều bầy đàn khác nhau nhưng chúng đều có thủ lĩnh riêng và phân chia rõ lãnh địa của riêng mình. Nếu có sự nhầm lẫn hay cố tình xâm lấn, cuộc chiến sẽ lập tức nổ ra. Tuy nhiên, đã là… khỉ, chúng hiểu rất rõ mọi luật lệ, giới hạn. Khi đến đây bạn nhớ mang theo ít mía, một vài bọc ngô bung, ít trái cây. Chỉ cần có thế là bạn trở nên thân thiện với bầy khỉ hiếu động, mặc sức chụp ảnh với vô vàn dáng vẻ ngộ nghĩnh, đáng yêu của bầy khỉ.
Đến Cần Giờ vào bất cứ lúc nào, bạn cũng cảm thấy đó là những ngày lý thú, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là dịp cuối tuần. Bạn có thể theo các tour du lịch của TP.HCM hoặc từng nhóm bạn riêng lẻ, theo xe bus đón sẵn ở chợ Bến Thành để xuôi phà Bình Khánh. Không ít người muốn trở lại khu căn cứ rừng Sác huyền thoại họ từng biết qua vô vàn chuyện kể lý thú. Cũng có người muốn hoà nhập vào thiên nhiên qua những chiếc ghe nhỏ luồn sâu vào rừng. Còn ai ham mê biển cả thì tìm đến những chiếc ca nô trắng tinh như cánh én lướt bay trên biển, qua các cù lao để có thể nhìn thấy Vũng Tàu trong tầm mắt. Những người có tuổi hoặc sau một tuần căng thẳng với công việc thường muốn được nghỉ ngơi, thư giãn cùng gió trời, biển cả, rừng cây, muốn được thưởng ngoạn món sò nướng, tôm nướng, mấy con cá trui thơm ngậy với ít gia vị miệt vườn sông nước.
Vào dịp lễ hội Nghinh Ông, từng đoàn ghe xuồng theo kênh rạch đổ về trung tâm văn hoá Cần Giờ. Lễ phục ngư ông sắc đỏ tía, đai vàng, xanh và cờ phướn rợp trong những luồng kênh rạch. Nhịp chèo như quyện vào trong tiếng trống mõ hối thúc, tưng bừng, tiếng tù và đâu đó. Đây cũng là dịp cho những nhóm đờn ca tài tử gặp nhau. Họ đua tài, trình diễn những ngón đàn điệu nghệ của các nhạc công nổi tiếng các xã, ấp. Nếu bạn muốn hoà mình vào không khí lễ hội của dân biển, hãy đến với Cần Giờ vào đầu tháng mười - lễ hội lớn của ngư dân vùng biển được tổ chức hằng năm.
4.4. Ô nhiễm tại các bãi biển du lịch ngày càng trở nên trầm trọng
Du lịch biển đang chiếm tới 80% lượt khách đến Việt Nam hiện nay. Cùng với số lượng du khách đang tăng nhanh hàng năm, môi trường du lịch ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây ngày càng trở nên ô nhiễm, đặc biệt tại các bãi biển du lịch nổi tiếng từ Bắc vào Nam.
Tình trạng dễ nhận thấy nhất là thói quen vứt, xả rác bừa bãi tại các bãi biển, các điểm tham quan khiến điểm du lịch nào thu hút đông du khách thì nơi đó ô nhiễm môi trường tăng nhanh. Việc gia tăng tình trạng ô nhiễm ở các bãi biển không phải chỉ từ phía du khách mà ngay cả cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp phục vụ du lịch...
Để du lịch phát triển bền vững, việc bảo vệ môi trường du lịch không chỉ đơn thuần là của chính quyền địa phương, công ty du lịch mà cả ý thức của du khách lẫn người dân sở tại.
5. Phát triển giao thông vận tải biển
- Với một vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 và đường bờ biển chạy dài từ mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) cùng hàng loạt vũng, vịnh kín gió và nhiều đảo, quần đảo, là điều kiện thích hợp để phát triển đường biển. Tuy nhiên, nước ta nằm trong vùng có nhiều thiên tai, mỗi năm có từ 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có 3 - 4 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào nước ta. Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông vận tải biển.
Nằm trên đường hàng hải quốc tế, giao thông đường biển của nước ta phát triển rất sớm. Thời xa xưa, thuyền buôn của nhiều nước trên đường tới Trung Quốc hầu hết đều qua lại nước ta để trao đổi mua bán. Dưới thời phong kiến, nhiều chiến thắng lẫy lừng của cha ông ta chống ngoại xâm liên quan đến đường thủy (sông, biển). Vào thời Trần, nước ta đã đóng thuyền lớn đi biển, tốc độ khá nhanh, có thể tới các nước trong khu vực. Vì vậy, việc buôn bán rất phồn thịnh. Vân Đồn là thương cảng quan trọng bậc nhất thời đó trong việc giao lưu quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới. Vào thế kỉ XVII, Hội An (Quảng Nam) cũng là một trong những thương cảng sầm uất.
- Hiện nay nước ta có 49 cảng được xếp loại (trong đó có 17 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 9 cảng biển loại III) và 166 bến cảng. Các cảng biển và cụm cảng quan trọng là: Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng Liên Chiểu Chân Mây, Dung Quất, Nha Trang, Sài Gòn – Vũng Tàu – Thị Vải.
+ Ở miền Bắc, lớn nhất hiện nay là cảng Hải Phòng, ngoài ra còn một số cảng khác như cảng Cái Lân, Cửa Ông…
Cảng Hải Phòng nằm bên bờ Nam sông Cấm trông ra biển qua Đình Vũ và cửa Nam Triệu, kéo dài phía trên bến Bính đến bến Chùa Vẽ. Đây là cảng cửa sông, cách biển 39km. Một trong những nhược điểm của cảng là lắng đọng bùn cát quá lớn nên thường xuyên phải nạo vét. Hiện tại, đây là cảng quan trọng nhất trong việc xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Bắc.
Cảng Cái Lân (Quảng Ninh) nằm trên vũng Cửa Lục sâu và kín, có lòng lạch sâu 7 – 8m, rộng 80 – 100m. Trong tương lai, cảng này sẽ là cảng lớn nhất miền Bắc làm nhiệm vụ vận tải tổng hợp.
Hình 2.27. Lược đồ giao thông vận tải
+ Ở miền Trung là một hệ thống cảng và hầu như tỉnh nào cũng có cảng. Lớn nhất là cảng Đà Nẵng.
Cảng Đà Nẵng nằm ở cửa sông Hàn với mực nước sâu trên 5m. Phía ngoài vũng Đà Nẵng có cảng nước sâu (15m) cạnh bán đảo Sơn Trà.
Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) là một quân cảng có vị trí hết sức đặc biệt. Cảng nằm trong một vũng vịnh kín gió nhờ hòn Mao Di che chắn. Xung quanh theo các hướng đều có các đỉnh núi bảo vệ, cao nhất là núi Chúa ở phía Nam với độ cao 1046m. Diện tích mặt nước ước chừng tới 40.000ha, trong đó 4.800ha có độ sâu trên 10m. Cam Ranh được đánh giá là một trong ba cảng tự nhiên tốt nhất thế giới.
+ Ở miền Nam nổi tiếng với cảng Sài Gòn. Cảng Sài Gòn là cảng cửa sông, cách biển 84km. Đổ về đây có ba lạch sông sâu là Lòng Tàu, Đông Thành, Soài Ráp thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Các bến cảng sâu 9-13m và là cảng xuất nhập khẩu quan trọng của Nam Bộ.
Như vậy, trên dải bờ biển của nước ta đã và sẽ hình thành một hệ thống cảng lớn nhỏ. Từ Bắc vào Nam có Cửu Ông, Cẩm Phả, Hồng Gai, Cái Lân, Hải Phòng, Nghi Sơn, Cửa Lò, cảng Gianh, Cửa Việt, Thuận An, Chân Mây, Liên Chiểu, Đà Nẵng, Tiên Sa, Kì Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Phan Rí, Mũi Né, Phan Thiết, Hầm Tân, Sài Gòn, Vũng Tàu, Thị Vải, Rạch Giá, Bến Đình – Sao Mai, Hòn Chông, Hà Tiên… Hệ thống này đã và đang phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước.
- Các tuyến đường biển chính của nước ta hiện nay là các tuyến đường biển ven bờ chủ yếu là theo hướng Bắc – Nam. Quan trọng nhất là tuyến Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh, dài 1.500km. Ngoài ra còn một vài tuyến khác như Hải Phòng – Cửa Lò (340km), Hải Phòng – Đà Nẵng (560km), Cửa Lò – Đà Nẵng (420km), Đà Nẵng – Quy Nhơn (300km), Quy Nhơn – Phan Thiết (440km), TP Hồ Chí Minh – Rạch Giá…
Các tuyến đường biển quốc tế chủ yếu từ TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng tỏa đi các nơi và ngược lại.
Từ TP Hồ Chí Minh có các tuyến đi Vlađivôxtôc (Nga) 14.500km, Hồng Công 1.720km, Singapo 1.170km, Băng Cốc (Thái Lan) 1.180km, Xihanúcvin (Cam-pu-chia) 870km…
Từ Hải Phòng có các tuyến đi Hồng Công 900km, Vlađivôxtôc (Nga) 14.500km, Manila (Phi-lip-pin), Tôkyô (Nhật Bản)…
- So với các loại hình giao thông vận tải, vận tải đường biển có khối lượng vận chuyển hàng hóa đứng ba, sau ngành vận tải đường ô tô và đường nội thủy, nhưng lại đứng đầu về luân chuyển hàng hóa.
Bảng 2.8. Khối lượng luân chuyển và vận chuyển
hàng hóa của các ngành vận tải nước ta
Năm 2005 2010
Ngành đường Vận chuyển
(nghìn tấn) Luân chuyển
(tr tấn.km) Vận chuyển
(nghìn tấn) Luân chuyển
(tr tấn.km)
Đường sắt 8786.6 2949.3 7980.2 3956
Đường bộ 298051.3 17668.3 585024.8 36293.7
Đường nội thủy 111145.9 17999 144324.8 31531
Đường biển 42051.5 61872.4 64717.4 146577.8
Đường hàng không 111 239.3 186 429.2
Nguồn: Niên giám thống kê tóm tắt, 2010.
- Đối với giao thông vận tải biển, hệ thống cảng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong tương lai, cần cải tạo và xây dựng hệ thống cảng biển hiện đại để tạo cửa ra - vào thuận lợi cho tàu thuyền. Ngày 24 tháng 12 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số: 2190/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể:
+ Dự kiến lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại các thời điểm trong quy hoạch như sau:
• 500 600 triệu tấn/năm vào năm 2015;
• 900 1.100 triệu tấn/năm vào năm 2020;
• 1.600 2.100 triệu tấn/năm vào năm 2030.
+ Tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - Khánh Hòa để tiếp nhận được tàu container sức chở 9.000 15.000 TEU( ) hoặc lớn hơn, tàu chở dầu 30 40 vạn DWT( ); cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp nhận được tàu trọng tải 8 10 vạn DWT, tàu container sức chở 4.000 8.000 TEU và vùng kinh tế trọng điểm khác khi có điều kiện; cảng chuyên dùng cho các liên hợp lọc hóa dầu, luyện kim, trung tâm nhiệt điện chạy than (tiếp nhận được tàu trọng tải 10 30 vạn DWT hoặc lớn hơn). Chú trọng cải tạo nâng cấp các cảng đầu mối khu vực hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn;
+ Phát triển bến cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để vận tải hàng hoá, hành khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng;
+ Nâng cấp, phát triển có chiều sâu trang thiết bị, dây chuyền công nghệ bốc xếp và quản lý để nhanh chóng khắc phục tình trạng lạc hậu về trình độ kỹ thuật - công nghệ, yếu kém về chất lượng phục vụ, tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế về cảng biển;
- Hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 gồm 6 nhóm:
+ Nhóm 1: Nhóm cảng biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; Lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng: 86 90 triệu tấn/năm (2015); 118 163 triệu tấn/năm (2020); 242 313 triệu tấn/năm (2030). Các cảng chính là Hải Phòng và Hòn Gai. Hải Phòng: cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA). Cảng Hòn Gai - Quảng Ninh: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Cái Lân: là khu bến chính, chủ yếu làm hàng tổng hợp, container cho tàu 5 vạn DWT, 3.000 TEU.
+ Nhóm 2: Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; Lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng: 69 80 triệu tấn/năm (2015); 132 152 triệu tấn/năm (2020); 212 248 triệu tấn/năm (2030). Các cảng chính trong nhóm là Nghi Sơn - Thanh Hóa: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Bắc Nghi Sơn là khu bến chuyên dùng cho tàu 1 3 vạn DWT phục vụ liên hợp lọc hóa dầu, xi măng. Nghệ An: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Sơn Dương, Vũng Áng - Hà Tĩnh: cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
+ Nhóm 3: Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; Lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng: 41 46 triệu tấn/năm (2015); 81 104 triệu tấn/năm (2020); 154 205 triệu tấn/năm (2030). Các cảng chính trong nhóm là Đà Nẵng: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), về lâu dài có thể phát triển để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực Miền Trung. Dung Quất - Quảng Ngãi: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), bao gồm Dung Quất I (hiện có ở vịnh Dung Quất) và Dung Quất II (tiềm năng phát triển ở vịnh Mỹ Hàn).
+ Nhóm 4: Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; Lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng: 63 100 triệu tấn/năm (2015); 142 202 triệu tấn/năm (2020); 271 384 triệu tấn/năm (2030). Các cảng chính trong nhóm là Quy Nhơn – Bình Định: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Vân Phong - Khánh Hòa: cảng tổng hợp quốc gia, trung chuyển quốc tế (loại IA). Nha Trang, Ba Ngòi - Khánh Hòa: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
+ Nhóm 5: Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp thuộc Long An, Tiền Giang); Lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng: 185 200 triệu tấn/năm (2015); 265 305 triệu tấn/năm (2020); 495 650 triệu tấn/năm (2030). Các cảng chính trong nhóm là Vũng Tàu - Bà Rịa - Vũng Tàu: cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA). Thành phố Hồ Chí Minh: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I). Đồng Nai: cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
+ Nhóm 6: Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam). Lượng hàng qua cảng dự kiến khoảng: 54 74 triệu tấn/năm (2015); 132 156 triệu tấn/năm (2020); 206 300 triệu tấn/năm (2030). Cảng quan trọng nhất là Cần Thơ - cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I).
- Phát triển giao thông vận tải biển sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đất nước, đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, việc phát triển giao thông vận tải biển cũng tác động không nhỏ đến môi trường biển - đảo.
+ Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1997 đến nay (2011) đã xảy ra hơn 50 vụ tràn dầu ở Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến sự cố tràn dầu là do va chạm trong quá trình bốc dỡ, vận chuyển và đắm tàu.
Hình 2.28. Sự cố tràn dầu tại cảng Hải Phòng
Điển hình là các sự cố tàu Formosa one Liberia đâm vào tàu Petrolimex 01 của Việt Nam tại vịnh Giành Rỏi - Vũng Tàu (tháng 9/2001) làm tràn ra môi trường biển ven bờ khoảng 1.000m3 dầu diezel, gây ô nhiễm nghiêm trọng một vùng rộng lớn biển Vũng Tàu; ba năm sau, tại khu vực biển Quảng Ninh - Hải Phòng, sự cố đắm tàu Mỹ Đình, chứa trong mình khoảng 50 tấn dầu DO (Diesel Oil) và 150 tấn dầu FO (Fuel Oil), trong khi đó ta chỉ xử lý được khoảng 65 tấn, số dầu còn lại hầu như tràn ra biển...
Đặc biệt trong 2 năm 2006 và 2007, tại ven biển các tỉnh miền Trung và miền Nam đã xảy ra một số sự cố tràn dầu bí ẩn, nhất là từ tháng 1 đến tháng 6/2007 có rất nhiều vệt dầu trôi dạt dọc bờ biển của 20 tỉnh từ đảo Bạch Long Vĩ xuống tới mũi Cà Mau và đã thu gom được 1720,9 tấn dầu.
Tiếp đó, tháng 6/2009, tàu Nhật Thuần đã chìm sâu xuống biển Vũng Tàu sau khi bùng cháy trong khoảng 2 giờ liền. Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại thời điểm xảy ra tai nạn, trong tàu Nhật Thuần có chứa khoảng 1.795m3 dầu cặn và chất thải lẫn dầu...
+ Việc gia tăng một cách nhanh chóng các phương tiện vận tải thủy, với hàng chục nghìn lượt tàu thuyền ra vào cảng, mỗi năm chúng đã thải ra sông, biển hàng nghìn tấn chất thải sinh hoạt, nhiên liệu, cặn dầu, nước rửa tàu lẫn chất thải rắn, mạt kim loại, sơn và các chất tẩy rửa trong quá trình hoạt động.
+ Tại các cảng biển, nguồn rác thải phát sinh cũng rất đa dạng từ các tàu vào cập bến làm hàng đến công nhân bốc xếp trên bờ cùng hàng trăm loại hình hoạt động dịch vụ khác. Đó là chưa kể không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận còn nhập hàng nghìn tấn sắt thép phế thải từ nước ngoài về qua cảng, "tiếp tay" huỷ hoại môi trường. Các cơ sở đóng và sửa chữa tàu biển với trang thiết bị kỹ thuật hạn chế, thiếu hệ thống xử lý chất thải đồng bộ nằm rải rác ven sông, ven biển cũng là tác nhân gây ảnh hưởng môi trường nước, không khí.
Ô nhiễm môi trường biển từ các sự cố tràn dầu, từ các phương tiện giao thông vận tải biển, cảng biển có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, tài nguyên thủy sinh, tài nguyên nước, tài nguyên đất trên một khu vực khá rộng, gây thiệt hại đến các hoạt động kinh tế. Vì vậy trong lĩnh vực giao thông vận tải biển cần phải có biện pháp hạn chế gây ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả về môi trường.
6. Khai thác các loại tài nguyên khác: thủy triều, gió biển
Thủy triều, gió biển… là tài nguyên vô tận. Nhìn chung tài nguyên này chưa được khai thác rộng rãi, ngay cả những nước có trình độ phát triển. Trong tương lai khi trình độ khoa học kĩ thuật nước ta phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng nhiều, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt thì nguồn năng lượng vô tận này chắc chắn sẽ được khai thác nhiều hơn.
6.1. Thủy triều
Theo các nhà nghiên cứu thì năng lượng thủy triều ở các vùng ven biển rất ổn định so với năng lượng của các dòng sông. Nơi có biên độ thủy triều càng cao thì khả năng khai thác năng lượng càng lớn.
Nước ta nhìn chung có biên độ thủy triều lớn. Hai khu vực có biên độ thủy triều cao nhất là: Khu vực từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Thanh Hóa có biên độ thủy triều dao động từ 3,3m đến 3,9m. Khu vực từ mũi Ba Kiệm đến Cà Mau có biên độ thủy triều dao động từ 3,5m đến 4,2m. Các khu vực khác có biên độ thủy triều dao động từ 1,5m đến 2m.
Lợi dụng năng lượng thuỷ triều: khi thuỷ triều lên, nước đổ vào vịnh và khi thuỷ triều xuống thì nước trong vịnh chảy ra ngoài khơi. Hai lần mỗi ngày, ở cửa vịnh sẽ có một luồng nước chảy vào vịnh rồi chảy ngược ra khơi. Nếu xây một đập ở cửa vịnh và lắp đặt một tuabin chạy hai chiều thì có thể sản xuất điện.
Như vậy, trong tương lai ở vùng ven biển và hải đảo nước ta sẽ xây dựng các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng thủy triều để thắp sáng và phục vụ sản xuất.
6.2. Gió biển
Sử dụng năng lượng gió là một trong các cách lấy năng lượng được biết đến từ thời Cổ đại, thí dụ cối xay gió,...
Dùng năng lượng gió để sản xuất điện là ý tưởng đã có từ khi phát minh ra máy phát điện (1831 – 1832). Từ sau cuộc khủng hoảng dầu trong thập niên 70 (thế kỉ XX), nhiều quốc gia đã nghiên cứu và phát triển công nghệ sử dụng năng lượng gió để phát điện. Đức, Tây Ban Nha, Hoa Kì, Đan Mạch, Ấn Độ,… là những quốc gia sử dụng năng lượng gió nhiều nhất trên thế giới.
Năng lượng gió được đánh giá là thân thiện nhất với môi trường và ít gây ảnh hưởng xấu đối với xã hội. Không phải lo các rủi ro có thể xảy ra như với đập nước. Không phải lo nhiều về di dân và tái định cư, vì các trạm phát điện gió có thể đặt ở vùng duyên hải hoặc ngoài khơi. Đây là nguồn năng lượng rẻ nhất và sạch nhất, giúp giảm đáng kể nguồn điện năng phải sản xuất từ các nhà máy điện đốt than đá, dầu... Năng lượng gió có nhiều lợi thế để tạo ra nguồn điện năng rẻ. Nhưng vấn đề lớn nhất mà các nhà máy điện sử dụng năng lượng gió gặp phải là trong thực tế không phải lúc nào cũng có gió, vì vậy mà nguồn điện sẽ không ổn định.
Tiềm năng và triển vọng năng lượng gió ở Việt Nam là rất lớn. Vì nước ta ở khu vực nhiệt đới gió mùa, có bờ biển dài, gió thổi thường xuyên với tốc độ trung bình khoảng 3,2m/s. Ở nhiều nơi như vùng quần đảo Bạch Long Vĩ, đảo Phú Quốc, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có tốc độ gió thổi thường xuyên đạt từ 6 đến 7m/s. Vào thời gian có gió mùa Đông Bắc, tốc độ gió đạt trên 15m/s. Ở vùng biển phía Nam, tốc độ gió thổi thường xuyên đạt khoảng 10m/s. Trong chương trình đánh giá về năng lượng châu Á, Ngân hàng Thế giới đã có một khảo sát chi tiết về năng lượng gió ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo đánh giá này thì Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn, ước đạt 513.360 MW. Việt Nam hiện đang triển khai dự án nhà máy điện gió ở Bình Thuận. Hy vọng trong tương lai, nguồn năng lượng sạch này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.