8 Phẩm chất của một Hiệu trưởng giỏi
Mỗi nhà trường muốn phát triển hay không đều nhờ vào tài quản lý của người lãnh đạo. Xin được nêu ra đây những phẩm chất nhất định mà một hiệu trưởng giỏi cần có để các bạn tham khảo và góp kiến.
1. Trực tiếp thu thập thông tin
Nhà lãnh đạo giỏi là người phải biết lấy thông tin mình cần ở đâu. Họ không chỉ ngồi trong phòng làm việc với những giấy tờ và thông tin giáo viên đưa tới, họ trực tiếp ra ngoài và quan sát.Ví dụ, họ sẽ trực tiếp dự giờ hoặc thậm chí nói chuyện với giáo viên và học sinh về phản ứng của họ với hoạt động dạy - học của nhà trường như thế nào và từ đó đề ra các kế hoạch phát triển.
Cho dù nhà trường hiện nay đã có uy tín, vững mạnh về chuyên môn, song hiệu trưởng vẫn thường xuyên đi dự giờ và tìm hiểu tâm lý học sinh, trực tiếp tìm hiểu suy nghĩ của cha mẹ học sinh bằng nhiều công cụ khác nhau như thăm dò dự luận xã hội qua các cuộc họp cha mẹ học sinh hàng năm để biết họ cần và muốn gì.
2. Trực tiếp tham gia vào hoạt động của các chuyên đề chuyên môn
Khi tham gia hoạt động của bất kỳ chuyên đề nào, nhà lãnh đạo cần một định hướng cụ thể, một nguồn thông tin đa dạng để chuyên đề có thể triển khai hoạt động suôn sẻ. Ngoài ra, việc trực tiếp tham gia vào hoạt động các chuyên đề sẽ giúp họ tích lũy kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều mảng khác nhau.
Một lý do quan trọng khác đó là người hiệu trưởng có thể xem xét mối quan hệ giữa các tổ chuyên môn và các bộ phận trong nhà trường liệu họ có hợp tác chặt chẽ với nhau không hay họ thường xuyên gây cản trở nhau? Từ đó, tùy thuộc tình hình mà hiệu trưởng sẽ có những giải pháp cần thiết và kịp thời.
3. Thực tế và có khả năng tập trung cao
Những nhà lãnh đạo giỏi thường tạo ra những mục tiêu đầy thách thức nhưng họ biết có khả năng thực hiện chúng. Họ dựa vào khả năng phân tích tình hình thực tế, khả năng đưa ra những nhận định về kinh tế-xã hội của địa phương để đưa ra những quyết định sáng suốt.
Những hiệu trưởng giỏi là người biết tận dụng thời gian và nguồn lực một cách hiệu quả. Họ biết tập trung vào những mục tiêu khả thi và hiệu quả để đem lại sự phát triển cho nhà trường (những trường vùng khó khăn phải đặt mục tiêu duy trì sĩ số, biện pháp nâng chất lượng và hiệu quả giáo dục; đầu tư xây dựng CSVC, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học; tăng cường ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên).
4. Luôn rõ ràng và bình tĩnh trước mọi tình huống
Mục tiêu nên được phát biểu sao cho thật cụ thể, có thể đo lường được. Những nhà lãnh đạo giỏi phải là người biết lên kế hoạch chi tiết và cụ thế cho từng mục tiêu chủ chốt, luôn dựa vào những điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) khác nhau ( từ viết tắt cho hoạt động này là SWOT) của nhà trường mà lường trước mọi khó khăn có thể xảy ra.
5. Phải biết lắng nghe nhiều nguồn ý kiến
Dù trong một cuộc họp chung của toàn thể hội đồng sư phạm hay gặp riêng một ai, người hiệu trưởng luôn phải thể hiện được khả năng lắng nghe và chọn lọc thông tin của mình. Họ cần biết lắng nghe từ nhiều chiều và nhận định ra được vấn đề cần giải quyết.
6. Đảm bảo mọi người đều cố gắng vì sự phát triển của nhà trường
Một nhà lãnh đạo có tài là người luôn biết sắp xếp cho CBVC phát huy năng lực chuyên môn, tạo điều kiện tốt nhất có thể để CBVC cống hiến cho nhà trường. Họ giúp CBVC nhận thức rằng mỗi đóng góp trong công việc của họ đều giúp nhà trường phát triển. Từ đó CBVC sẽ nhiệt tình và làm việc hết mình hơn.
7. Nhìn thẳng vào sự thật yếu kém
Yếu kém là một điều bình thường trong cuộc sống bởi vì có yếu kém mới sinh ra phát triển. Tuy nhiên, chúng ta làm gì để khắc phục những yếu kém đó mới là điều cần học. Với những nhà lãnh đạo giỏi họ biết nhìn thẳng vào yếu kém của nhà trường cùng với hội đồng sư phạm, đó như một thông điệp với tất cả CBVC rằng chúng ta sắp phải đón nhận những thử thách mới để biến yếu kém hiện tại thành thành công trong tương lai. Với bản thân hiệu trưởng, họ sẽ rà soát lại để biết tại sao lại dẫn đến yếu kém này và từ đó sẽ không để lặp lại nữa.
8. Khả năng tạo áp lực khiến CBVC làm việc tích cực hơn
Nhà lãnh đạo có tài là người biết cách tạo ra áp lực trong công việc để giáo viên làm việc hết khả năng của họ. Nếu trong trường hợp giáo viên cảm thấy khó khăn và có phần bế tắc, họ sẵn sàng giúp đỡ để người giáo viên này tìm được đường đi và tiếp tục công việc.