35 năm trước, ngày 14-3-1988 lịch sử, máu của 64 người lính quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đã loang đỏ ở Gạc Ma. Các anh đã ngã xuống cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự ra đi giữa lòng biển quê hương của các anh đã để lại biết bao thương tiếc cho đồng đội, nhân dân - những người ở lại của ngày ấy và của cả hôm nay. Kí ức hào hùng ấy mãi luôn nhắc nhở chúng ta về khúc tráng ca bất tử và về 64 người con đất Việt đã làm nên một “Vòng tròn bất tử” giữa biển khơi.
”Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa. Thà hi sinh, chứ nhất định không chịu mất đảo. Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam”. Đó là lời nói cuối cùng trước lúc hi sinh của Thiếu úy Trần Văn Phương, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, thuộc đơn vị Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân.
35 năm trước, ngày 14-3-1988 lịch sử, máu của 64 người lính quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đã loang đỏ ở Gạc Ma. Các anh đã ngã xuống cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự ra đi giữa lòng biển quê hương của các anh đã để lại biết bao thương tiếc cho đồng đội, nhân dân - những người ở lại của ngày ấy và của cả hôm nay. Kí ức hào hùng ấy mãi luôn nhắc nhở chúng ta về khúc tráng ca bất tử và về 64 người con đất Việt đã làm nên một “Vòng tròn bất tử” giữa biển khơi.
Có thể nào quên những ngày tháng lịch sử đau thương nhưng kiêu hùng về những người lính hải quân đã cầm súng bảo vệ và ngã xuống tại Gạc Ma. Ngày 18/12/2023, trong tiết chào cờ tại trường THPT Phan Chu Trinh, tổ Lịch sử, Địa lý và Đoàn thanh niên phối hợp cùng thực hiện chương trình ngoại khóa mang tên “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”
Mở đầu là bức tranh làng quê miền biển đang yên bình với tiết mục múa Bài ca tôm cá, được biểu diễn bởi tập thể học sinh đến từ nhiều lớp.
Buổi lễ xuất quân, đưa lính ra bảo vệ đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao diễn ra hào hùng, trang trọng và thể hiện lòng quyết tâm với tình yêu quê hương, đất nước với phần trình diễn võ thuật vô cùng đẹp mắt được tái hiện một cách sinh động và ấn tượng.
Chương trình kết thúc bằng bài hát “Truyền thuyết Hoàng Sa, Trường Sa” với giọng hát trầm ấm của thầy Ngọc Sáng đã khiến cho toàn trường như lắng cảm xúc để lòng mình bồi hồi cùng biển đảo yêu thương và thiêng liêng của Tổ quốc.
Mặc dù trong suốt chương trình, không có sự dẫn chuyện nhưng các phần đều được nối kết với nhau một cách nhịp nhàng khiến người xem bị cuốn hút từ đầu đến cuối.
Chương trình thành công là kết quả của thời gian, công sức, kể cả mồ hôi và đôi khi là những giọt nước mắt trong suốt quá trình tập luyện của cả thầy và trò.
Hình ảnh các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ quốc kỳ trên đảo Gạc Ma, vẽ thành “vòng tròn bất tử” mãi khắc ghi sử sách, viết nên bản anh hùng ca còn vang vọng mãi. 35 năm qua đi, sóng biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng không thể xóa được ký ức của người dân Việt Nam về những con người quả cảm, chính sự hy sinh của các anh đã tạc nên những tượng đài bất tử về tình yêu Tổ quốc, tinh thần hi sinh vì biển đảo – một phần máu thịt của đất nước. Tinh thần chiến đấu và hi sinh anh dũng của các anh đã ghi thêm những nốt son vào trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi khắc cốt ghi tâm. Trường Sa không xa, Trường Sa luôn trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.
Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa.
Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma
Các anh lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm.
(Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra, Nguyễn Việt Chiến)
- Theo Ban Báo chí trường THPT Phan Chu Trinh -