Bí thư Bình Thuận: 'Tỉnh đã chọn phương án xây hồ ít tổn hại rừng nhất'
Bình Thuận chuyển 619 ha rừng thành hồ chứa nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng đất khô cằn, nơi nước quý như "ngọc", theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An.
Bí thư Bình Thuận: 'Tỉnh đã chọn phương án xây hồ ít tổn hại rừng nhất'
Bình Thuận chuyển 619 ha rừng thành hồ chứa nước nhằm giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước cho vùng đất khô cằn, nơi nước quý như "ngọc", theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An.
Quốc hội vừa điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét sức chứa hơn 51 triệu m3, thuộc xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Công trình dự kiến hoàn thành trước 2025 với tổng vốn đầu tư 874 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích gần 698 ha, trong đó hơn 619 ha là đất rừng tự nhiên, gồm: hơn 137 ha rừng đặc dụng, 0,51 ha rừng phòng hộ, gần 440 ha rừng sản xuất, và khoảng 41 ha đất nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng trên.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận trả lời VnExpress về chủ trương chuyển rừng thành hồ chứa nước, mục tiêu của công trình, và phương án trồng rừng thay thế.
Bí thư Tỉnh Bình Thuận Dương Văn An trả lời VnExpress về ý nghĩa và mục tiêu của dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét, tháng 9/2023. Ảnh: Thu Hằng
Bí thư tỉnh Bình Thuận Dương Văn An trả lời VnExpress về dự án hồ thủy lợi Ka Pét, ngày 5/9. Ảnh: Thu Hằng
- Tại sao Bình Thuận quyết định chuyển diện tích 619 ha rừng tại huyện Hàm Thuận Nam thành dự án xây hồ chứa nước Ka Pét?
- Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam. Đây là vùng có lượng mưa rất thấp, chỉ 800-1.150 mm/năm, nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa. Chỉ tính nhu cầu nước sản xuất nông nghiệp hàng năm, Bình Thuận cần hơn 500 triệu m3.
Do đó, trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh.
Vì sao phải làm hồ? Vào mùa mưa, nước theo kênh rạch, sông suối chảy ra biển, không giữ lại được, trong khi mùa khô không có nước. Do đó, tỉnh phải làm hồ để tích trữ nước cho dân sản xuất, sinh hoạt. Ở Bình Thuận, có người nói giữ nước như là giữ hạt ngọc cho dân. Người dân nơi đây quý nước như đồng bào dân tộc miền núi quý hạt muối.
Với đặc điểm địa hình Bình Thuận, muốn làm hồ thủy lợi, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng. Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng. Trước đây, vào mùa khô, từ trên cao nhìn xuống, đất đai Bình Thuận xám xịt vì cây khô, úa, nhưng sau khi có hồ thì vùng đó giữ được màu xanh. Nhiều vùng đất khô cằn, cát cháy được phủ màu xanh cây trái, đời sống nông dân ngày càng tốt hơn.
Vị trí 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi đã được đơn vị tư vấn chọn rất kỹ dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có. Hồ phải chọn địa điểm eo núi, là nơi tụ thủy, địa hình dễ ngăn đập để dung tích chứa nhiều nhất, nhưng ít tổn hại rừng. Tỉnh đã phân tích nhiều phương án, như lòng hồ có thể chứa 60-90 triệu m3, hay chỉ 30-40 triệu m3. Từ đó, tính toán dung tích tối ưu cho cả nhu cầu tưới tiêu và lưu vực nước là 51 triệu m3.
Mô hình thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: Ban quản lý dự án Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận
Thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: Ban quản lý dự án Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận
Theo quy hoạch, tỉnh sẽ xây thêm ít nhất 12 hồ thủy lợi để cấp nước cho dân, trong đó hồ La Ngà 3 dung tích lớn nhất tỉnh - 435 triệu m3.
Nước là tài nguyên. Rừng cũng là tài nguyên. Giữ rừng cho dân, giữ nước cũng là cho dân. Nhưng rừng có thể tái tạo được, dù rừng trồng không thể bằng rừng tự nhiên. Còn nước thì mình không tự làm ra được. Cũng có phương pháp lấy nước biển làm nước ngọt, nhưng rất tốn kém, điều kiện hiện nay tỉnh chưa thể đáp ứng.
Ai cũng biết, mất rừng sẽ làm suy giảm nước ngầm. Nhưng làm hồ cũng là một hình thức tích tụ nước mặt, làm tăng mực nước ngầm. Khi đề xuất dự án này, tỉnh và các đơn vị liên quan lựa chọn phương án ít tác động nhất, nhưng đem lại hiệu quả cao.
- Quá trình phân tích, tỉnh đánh giá được và mất của dự án thế nào?
- Dự án nào cũng có tích cực và hạn chế, nhưng xây dựng hồ chứa nước Ka Pét đem lại yếu tố tích cực nổi trội hơn.
Hiện chỉ 20% đất nông nghiệp ở Bình Thuận, tương đương 57.000 ha, được tưới nước chủ động. Còn diện tích rất lớn chưa được tưới, đặc biệt ở phía Nam như Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi. Nông nghiệp là ngành "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống", trong đó nước là số một. Dù áp dụng công nghệ gì vẫn cần nước, vấn đề là dùng ít hay nhiều.
Khoảng 619 ha rừng sẽ trở thành hồ thủy lợi, nhưng đổi lại sẽ cấp nước tưới trực tiếp cho hơn 7.760 ha đất nông nghiệp - gấp 13 lần diện tích rừng bị mất, và nước sinh hoạt tới 120.000 dân huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. Ngoài ra, dự án còn cấp nước cho các hồ ở hạ du, gián tiếp tưới nước cho hơn 6.200 ha, cung cấp 2,63 triệu m3 nước mỗi năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Dự án cũng phòng, chống lũ, lụt, cải tạo môi trường sinh thái cho một số vùng hạ du của tỉnh.
Mất rừng ai cũng tiếc, nhưng không thể để cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Do vậy quá trình đề xuất thay đổi chủ trương đầu tư năm 2023, tỉnh đã cố gắng giảm diện tích rừng đặc dụng xuống thấp nhất, từ hơn 162,7 ha xuống còn khoảng 137 ha.
Trong phần đất rừng khai thác, rừng đặc dụng chỉ chiếm 0,6% (137 ha) diện tích rừng của Khu bảo tồn Núi Ông (24.355 ha). Đây là phần chân núi, khi làm đập, ngăn nước sẽ bị ngập. Ngoài ra dự án này dùng 18 ha đất sản xuất của dân. Chúng tôi sẽ bố trí ở khu vực khác. Người dân sẽ được hưởng lợi vì có nước.
Thủ tướng từng nhấn mạnh: "Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế đơn thuần". Chúng tôi luôn ghi nhớ điều đó. Nghĩa là, phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa, giúp bảo vệ môi trường, không để ai bị bỏ lại phía sau. Hồ chứa nước cũng góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, nâng cao đời sống người dân.
Khu rừng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, sẽ được chuyển đổi để làm hồ chứa nước Ka Pét, cuối tháng 8/2023. Ảnh: Tư Huynh
Khu rừng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, sẽ được chuyển đổi để làm hồ chứa nước Ka Pét, cuối tháng 8/2023. Ảnh: Tư Huynh
- Dự án được chuẩn bị và thực hiện ra sao?
- Từ năm 1995, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã khảo sát, quy hoạch hồ ở vị trí này. Năm 2013, Bình Thuận vẫn giữ hồ Ka Pét khi phê duyệt quy hoạch thủy lợi thời kỳ 2010-2020, tầm nhìn đến 2030. 5 năm sau, Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa hồ Ka Pét vào quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến 2030, định hướng 2050. Tháng 7/2023, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có hồ Ka Pét.
Tức là quy hoạch hồ Ka Pét có từ rất sớm. Tỉnh đã lập dự án thực hiện từ năm 2010, nhưng không có vốn nên kéo dài. Dự án cần chuyển mục đích sử dụng trên 50 ha rừng đặc dụng nên thuộc diện phải trình Quốc hội, và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2019 tại Nghị quyết 93. Năm 2023, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 101, chấp thuận tăng vốn dự án thêm hơn 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
- Trước khi trình Quốc hội dự án hồ, tỉnh đã kiểm kê tình trạng rừng thế nào?
- Để chuẩn bị báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương, tỉnh đã khảo sát hiện trạng rừng, trong đó đánh giá diện tích có 3 loại rừng nêu trên.
Khi khai thác rừng để thực hiện công trình, tỉnh sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá cụ thể, đo và thống kê từng cây, phân loại cây có trữ lượng (đường kính từ 10 cm trở lên). Sau đó, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, rồi mới đưa ra đấu giá qua hai phương thức: cây nằm, hoặc cây đứng. Toàn bộ tiền được nộp vào ngân sách, tái đầu tư phát triển rừng bền vững.
Lúc trình Quốc hội, đơn vị tư vấn là Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ, thuộc Bộ NN&PTNT đã khẳng định trong khu rừng này không có cây thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, phải bảo tồn nghiêm ngặt. Còn quá trình triển khai, tỉnh sẽ đánh giá chi tiết đến từng cây.
- Theo Luật Lâm nghiệp, chủ đầu tư sau khi thực hiện dự án chuyển đổi rừng phải trồng gấp 3 lần diện tích thay thế. Việc trồng bù 619 ha rừng này được thực hiện ra sao?
- Thông tư số 25/2022 của Bộ NN&PTNT cho phép mở rộng rừng, đất rừng để trồng rừng thay thế. Cụ thể, chủ đầu tư được trồng rừng trên đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Hiện, các đơn vị chủ rừng rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký với Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai trồng rừng.
Diện tích trồng rừng thay thế trên 1.800 ha, tổng chi phí gần 177 tỷ đồng. Tỉnh dự kiến hoàn thành trồng rừng thay thế vào năm 2025 - cùng thời điểm kết thúc dự án xây hồ. Quá trình trồng rừng sẽ được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Việc trồng thêm trên 1.800 ha rừng sẽ tăng độ che phủ cây xanh cho Bình Thuận.
- Xung quanh khu vực Hàm Thuận Nam, nhiều hồ đập đã được xây dựng như Sông Móng, Ba Bàu, Đu Đủ, Tà Mon, Tân Lập... Tại sao tỉnh không tận dụng hiệu quả nguồn nước từ các hồ này, thay vì khai thác 619 ha rừng tự nhiên để làm thêm hồ chứa?
- Huyện Hàm Thuận Nam và khu vực lân cận hiện khai thác 100% công suất các công trình thủy lợi nêu trên, nhưng chỉ tưới được khoảng 15% đất sản xuất nông nghiệp. Mùa khô hàng năm, ở vùng thiếu nước của huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh chỉ đạo mỗi tháng chỉ tưới một lần cho hàng nghìn ha thanh long, mục tiêu để cây sống chứ không dám cho ra trái vì không đủ nước.
Sơ đồ khai thác hệ thống hồ chứa nước Ka Pét trong tương lai. Đồ họa: Đăng Hiếu
Hồ hiện hữu ở các khu vực trên đều được cân bằng dung tích rất kỹ, không đủ năng lực và không có mạng lưới để tưới tiêu cho nơi khác. Chưa kể, các hồ nằm ở độ cao khác nhau, theo nguyên lý nước từ trên cao chảy xuống nơi thấp, nên không thể lấy hồ ở hạ du để tưới cho thượng du. Hồ Ka Pét ở thượng nguồn nên bên cạnh phục vụ nước cho vùng sản xuất sẽ cung cấp nước cho các hồ phía dưới như Ba Bàu, Đu Đủ, Tà Mon, Tân Lập.
- Quốc hội đã thông qua chủ trương, tỉnh sẽ triển khai các bước tiếp theo như thế nào để thực hiện dự án?
- Sau khi Quốc hội phê duyệt, tỉnh đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền là Bộ NNPTNT thẩm định. Bộ đã tổ chức đi thực địa kiểm tra và góp ý hồ sơ dự án.
Đồng thời, tỉnh lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đồng và đăng tải thông tin trên website Bộ Tài nguyên và Môi trường, đang hoàn thiện để trình Bộ này thẩm định, phê duyệt. Từ đó, Bộ NN&PTNT có cơ sở ban hành kết quả thẩm định và Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư dự án.
Đây là những điều kiện về mặt thủ tục để triển khai các bước tiếp theo như thuê đơn vị tư vấn khảo sát, điều tra lập phương án khai thác gỗ, thẩm định giá, đấu giá khai thác lâm sản; trồng rừng thay thế; thiết kế bản vẽ, đấu thầu và xây các hạng mục như đập đầu mối, tràn xả lũ, hệ thống kênh và các công trình khác.
Sớm nhất đến quý 2/2024, dự án mới có thể khởi công và hoàn thành sau một năm rưỡi để cấp nước cho dân.
Thu Hằng - Đình Quân
CHUYỂN TIẾP BÀI VIẾT TỪ VNEXPRESS